Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành Giao thông vận tải “đi trước mở đường, phát triển mạch máu giao thông của Tổ quốc"

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về sứ mệnh “đi trước mở đường, phát triển mạch máu giao thông của Tổ quốc”.

Nội dung trên được nêu tại Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải.
Trong năm 2017, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, đã đạt được những kết quả rất tích cực trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trong thành tích chung của cả nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành Giao thông vận tải nói chung, Bộ Giao thông vận tải nói riêng. Năm 2017, sản lượng vận tải tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, ước đạt 1.443 triệu tấn hàng, tăng 9,8%; đạt 4.082 triệu lượt hành khách, tăng 11,1%. So với năm 2016, số vụ tai nạn giao thông giảm 1.509 vụ (giảm 6,99%), giảm 406 người chết (giảm 4,67%), giảm 2.240 người bị thương (giảm 11,62%). Việc triển khai các dự án trọng điểm của ngành được thực hiện với sự nỗ lực, quyết tâm cao; đã hoàn thiện các nội dung yêu cầu đảm bảo tiến độ, chất lượng...
Phó Thủ tướng cho biết, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Trong khâu đột phá về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, thì phát triển hạ tầng giao thông vận tải đóng vai trò then chốt và là một trong những nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để hoàn thành được nhiệm vụ này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT tiếp tục phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về sứ mệnh “đi trước mở đường, phát triển mạch máu giao thông của Tổ quốc”.
Trong năm 2018, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật chuyên ngành GTVT; tiếp tục rà soát, tái cơ cấu ngành GTVT, bao gồm tái cơ cấu về tổ chức quản lý nhà nước, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, tái cơ cấu doanh nghiệp trong ngành…
Đồng thời, tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến kết cấu hạ tầng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo các quy định pháp luật về quy hoạch. Ngành GTVT chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch giao thông cho phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển. Từ đó, xây dựng kế hoạch triển khai, xác định rõ nguồn vốn, lộ trình thực hiện cụ thể. Đặc biệt, cần rà soát quy hoạch hạ tầng Đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát lại các dự án quan trọng, dở dang để đề xuất phương án xử lý.
Khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị để sớm khởi công Dự án đầu tư xây dựng một số công trình đặc biệt quan trọng như: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tập trung hoàn thiện để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ việc nghiên cứu mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để có thể triển khai thực hiện ngay trong năm 2018 - 2019. Bộ Giao thông vận tải thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Quốc hội về tình hình, tiến độ và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án quan trọng này.
Đảm bảo chống thất thoát, lãng phí
Bộ phải tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, từ khâu chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt dự án); thực hiện đầu tư (khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công…); thanh quyết toán… đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ, chống thất thoát, lãng phí.
Tiếp tục tập trung xử lý những bất cập trong các dự án BOT. Cụ thể, Bộ phải rà soát về tổng vốn đầu tư, về giá phí, thời gian thu phí; vị trí đặt trạm thu phí để công bố công khai cho doanh nghiệp và người dân được biết. Đẩy nhanh lộ trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ bằng công nghệ thu tự động không dừng; lập lại trật tự tại các trạm thu giá BOT trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân. Rà soát giá, phí các dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay đảm bảo đúng quy định.
Đẩy mạnh tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, trong đó tăng cường kết nối các phương thức vận tải; ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân dân. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Đảm bảo giao thông mùa Lễ hội Xuân năm 2018
Trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Công an và các địa phương tăng cường các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, bảo đảm kéo giảm tai nạn giao thông cả năm 2018 và những năm tiếp theo, trước mắt là thời kỳ cao điểm dịp nghỉ Tết và mùa Lễ hội Xuân năm 2018; siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng xe; phối hợp với các Bộ và các địa phương trọng điểm (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) để có các giải pháp hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ vận tải thiết yếu của đất nước như Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam…