Ngành gỗ "khát" nhân lực chất lượng cao

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệu Trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, GS Trần Văn Chứ cho biết, dự báo đến năm 2020, ngành gỗ cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân; đến năm 2025 cần 106.800 người có trình độ đại học, trên đại học và 445.200 công nhân.

Kỳ vọng bứt phá
Số liệu thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 4500 DN, trong đó có 1863 DN trực tiếp xuất khẩu, 700 DN FDI và 340 làng nghề chế biến gỗ, với hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan.
Ngành gỗ đang thiếu lao động có trình độ Đại học và trên Đại học
Trong khi đó, nhu cầu thị trường về gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngày càng cao, cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 9,38 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng nông sản.
Sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về kim ngạch; chiếm 6% thị phần. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế rất lớn về rừng và phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản. 61/63 tỉnh/thành phố đều có rừng, với hơn 14,4 triệu ha rừng, chiếm 41,65% tổng diện tích tự nhiên của cả nước.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, ngành gỗ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019. Đến năm 2020, nâng kim ngạch xuất khẩu lên 12 - 13 tỷ USD, năm 2025 đạt 18 - 20 tỷ USD. “Như vậy, có thể khẳng định ngành gỗ của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển và có thể kỳ vọng ngành sẽ tạo bứt phá về kim ngạch trong thời gian tới” - GS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam nói.
Vẫn thiếu nhân lực chất lượng cao
Mặc dù nhiều tiềm năng nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ đang “khát” nguồn lao động, do nhu cầu sử dụng nguồn lao động tăng hàng năm. Số liệu thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chỉ tính riêng tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 507 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thu hút khoảng 110.000 lao động. Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực ngành gỗ ở Bình Dương hàng năm tăng 11.000 - 15.000 người.
Kỹ sư Trần Huy Dũng – Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, dân số ở độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% là nguồn lao động dồi dào cho tất cả các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành gỗ có liên quan đến sản xuất nông lâm nghiệp, nhưng trong thời gian qua, ngành gỗ vẫn thiếu lực lượng lao động chất lượng cao. “Có khoảng 5% lao động có trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 30%, còn lại là lao động phổ thông. Đây là hạn chế không nhỏ, trong quá trình cạnh tranh của ngành gỗ, khi bước vào giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay” - KS Trần Huy Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu mới đây của đại học Lâm nghiệp Việt Nam, vì lao động phổ thông nhiều nên năng suất ngành gỗ của Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ bằng 50% so với Philipines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU). Cả nước có 5 trường ĐH đào tạo chế biến lâm sản với quy mô hàng năm chỉ tuyển 300 sinh viên và 7 trường đào nghề khoảng 600 học viên.
GS Trần Văn Chứ cho biết thêm, để có thể bứt phá trong thời gian tới, ngành Gỗ không chỉ nên chú trong vào việc nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài, mà cần phải có sự đột phá trong phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực, tạo ra sự gắn kết giữa các trường đào tạo, viện nghiên cứu và DN để có thể thích ứng với môi trường công nghiệp trong thời kỳ công nghệ 4.0. “Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có 3 giải pháp cơ bản: Tập trung xây dựng các trường ĐH nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế; Đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao; nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường của Bộ NN&PTNT” - GS Trần Văn Chứ khẳng định.