Ngành gỗ Việt Nam đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam đã và đang phải đối diện với các rào cản thương mại, nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) do các thị trường quốc tế đẩy mạnh các biện pháp bảo hộ.

Chia sẻ tại tọa đàm “Ngành gỗ sẵn sàng trước xu thế bảo hộ” do báo Công Thương tổ chức chiều 4/8, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết: “Ngành gỗ đang đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ việc liên quan đến biện pháp PVTM mà các đối tác thương mại lớn của Việt Nam thường áp dụng cả về tần suất xuất hiện cũng gia tăng cao và những thiệt hại mà DN Việt Nam phải chịu thiệt hại ngày càng lớn hơn”.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Báo Công Thương
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Báo Công Thương

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, có hai nguyên nhân: Thứ nhất những năm gần đây, Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá, đã trở thành nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới, riêng đồ mộc tức là nhóm như: bàn, ghế, giường, tủ là nhóm có giá trị gia tăng cao thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Do đó, ngành gỗ phải đối diện nhiều hơn các biện pháp PVTM.

Thứ hai, cùng với xu hướng tự do hóa thương mại cùng với rất nhiều Hiệp định thương mại rự do (FTA) mà Việt Nam đã ký, động thái này khiến các nước đều tăng cường các biện pháp PVTM, đôi khi còn là chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

“Trước đây, chúng ta đối diện một số vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Cụ thể Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiện và áp thuế mặt hàng gỗ dán và gỗ dán cứng của Việt Nam. Sau đó, Hàn Quốc kiện và áp thuế gỗ dán xuất khẩu sang Hàn Quốc với mức thuế trên dưới 10%. Năm ngoái, Canada cũng điều tra và áp thuế mặt hàng salon đệm mút của Việt Nam xuất khẩu và áp mức thuế khá nặng, trên dưới 10%”, ông Ngô Sỹ Hoài cho hay.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam lại đối diện thêm nhiều rủi ro về PVTM. Cụ thể, ngoài áp thuế chống bán phá giá thuế trợ cấp, ngành gỗ phải đối diện với các biện pháp tự vệ như điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp của Việt Nam. Hay mới đây, Mỹ cũng tiến hành điều tra sản phẩm bàn trang điểm mà Việt Nam xuất khẩu nhiều sang thị trường này.

Chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh minh họa
Chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh minh họa

Lưu ý về thị trường Mỹ, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, mỗi khi Trung Quốc bị áp thuế với đồ gỗ thì Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị Mỹ kiện (kiện quét, kiện chống lẩn tránh và kiện phạm vi sản phẩm).

Chẳng hạn như, tháng 1/2018, Mỹ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với gỗ dán Trung Quốc, đến tháng 6/2020, Mỹ điều tra phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với gỗ dán Việt Nam.

Đến tháng 4/2020, Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tủ gỗ Trung Quốc và đến tháng 5/2022, Mỹ điều tra phạm vi sản phẩm. Ngay sau đó, tháng 6/2022, Mỹ điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ Việt Nam.

Điều này cho thấy, ở thị trường Mỹ, nguy cơ PVTM luôn hiện hữu. Đối với những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có kim ngạch càng cao, năng lực tốt thì càng khiến cho ngành sản xuất nội địa của Mỹ thấy có nguy cơ. Do vậy, ngành gỗ Việt Nam luôn đứng trước những thách thức khi ngành sản xuất gỗ của Mỹ thực hiện kiện PVTM.