Ngành GT-VT sẽ đề xuất cơ chế chính sách, thu hút đầu tư dự án PPP

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 6/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giao thông như: Việc tiêu chuẩn xây dựng đường cao tốc, đường cao tốc xuống cấp, các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn

Đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp có phù hợp?

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) cho biết, việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp của Bộ trong thời gian tới?.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong nhiệm kỳ này, hiện đã dành trên 375 ngàn tỷ để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đó mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc)
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc)

Theo Bộ trường, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Chính vì thế, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.

Bộ trưởng nêu rõ, cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh: Hà Nội – Hải Phòng, Bến Lức – Long Thành, Phan Thiết – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu. Nguyên tắc thứ hai là đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao, thì thực hiện phân kỳ đầu tư. Chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải đảm bảo. Cần thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.

Với những nguyên tắc trên, Bộ GT-VT đã phối hợp với Bộ KH&ĐT để tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng hai tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương, đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/11
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/11

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ thêm về vấn đề thiết kế xây dựng đường cao tốc. Theo Chủ tịch Quốc hội, đã có nhiều đại biểu tranh luận về vấn đề này. “Vốn liếng của ta không có nhiều nên phân kỳ đầu tư là đúng. Nhưng vấn đề phân kỳ đầu tư phải đạt mức tối thiểu như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông thì Bộ GT-VT cần suy nghĩ thêm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng, ngay cả những đoạn vừa hoàn thành trong cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ Cao Bồ đi Thanh Hóa và Thanh Hóa đi Diễn Châu, theo quan sát và nhiều người cho rằng, số lượng xe tham gia giao thông rất ít, vì tốc độ chỉ có 80 km/giờ và không có làn đường giật cấp. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chỉ cần một xe bị tai nạn hoặc bị xịt lốp thì sẽ tắc nghẽn hết tất cả, vì vậy rất cần xem xét vấn đề này.

Giải pháp thu hút nguồn lực với các dự án PPP 

Quan tâm đến hình thức đầu tư công tư PPP của ngành giao thông, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, trong thời gian qua, công trình, dự án lớn với phương thức đầu tư công tư PPP của ngành giao thông vận tải đã được phê duyệt theo quy hoạch còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn và bất cập. Ngoài hạn chế về công tác thu hút qua xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, trong đó có việc hạn chế rủi ro đã xảy ra đối với các tổ chức tín dụng chỉ dừng lại ở thời hạn bảo lãnh tín dụng, cho vay tín dụng từ 10 - 15 năm. Trong khi đó, khả năng thuần vốn hợp lý của các nhà đầu tư là 10, 20 đến 30 năm đối với với từng dự án PPP.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng)
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng)

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GT-VT chỉ rõ giải pháp nhằm tháo gỡ thực trạng những vướng mắc nêu trên nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP đã được phê duyệt?.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết, từ khi có Luật PPP được ban hành thì việc thu hút các dự án chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Thời gian gần đây Bộ GT-VT đã phối hợp với các bộ ngành địa phương để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Lý do các dự án PPP chưa thu hút doanh nghiệp thì về khách quan do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.

Liên quan đến hiệu quả của dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe, các dự án lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có những bất lợi cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phần vốn nhà nước hỗ trợ tối đa 50%, trong khi chi phí cho giải phóng mặt bằng nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra còn một số vấn đề về cơ chế nên hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Bộ trưởng Bộ GT-VT thông tin, vấn đề lớn quan ngại là giải phóng mặt bằng, thường các dự án PPP thường tách giải phóng mặt bằng làm trước và doanh nghiệp chủ yếu triển khai dự án. Nhận diện được các khó khăn này, Bộ GT-VT sẽ tham mưu Chính phủ để trình điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư. Với tinh thần đó, ngay tại kì họp này, Chính phủ trình Quốc hội có những tháo gỡ cho các dự án đầu tư giao thông đường bộ như nâng tỉ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư.