Ngành hải quan “ghi điểm” với doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các DN đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của ngành hải quan, điều này thể hiện ở tỷ lệ 94% DN đánh giá sự chuyển biến của các chính sách, pháp luật hải quan trong giai đoạn 2010 - 2015 là tích cực và khá tích cực.

Đây là kết quả từ cuộc khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của DN đối với TTHC trong lĩnh vực hải quan vừa được công bố ngày 12/11 tại Hà Nội.

Thông tin ngày càng cởi mở
Khảo sát năm 2015 nhận được 3.123 phiếu trả lời. Các nội dung bảng hỏi đối với DN tập trung ở 4 nội dung: Tiếp cận thông tin pháp luật về thủ tục hải quan; Thực hiện TTHC trong lĩnh vực hải quan; Sự phục vụ của công chức hải quan và kết quả giải quyết công việc.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát cho biết, cả 4 nội dung khảo sát đều được DN đánh giá cao. Việc tiếp cận thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan được đánh giá cao nhất, với 89% DN hoàn toàn hài lòng. Tiếp đến là các hình thức tham gia các lớp tập huấn, tham dự đối thoại do cơ quan hải quan tổ chức, trực tiếp tới gặp, gọi điện và gửi công văn. Về chất lượng các thông tin TTHC trong lĩnh vực hải quan, có 81% DN tham gia cho biết các thông tin này sẵn có, dễ tìm và đã có được thông tin, 65% đánh giá các thông tin đơn giản và dễ hiểu.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các DN đã chủ động hơn trong nắm bắt thông tin về pháp luật hải quan. Tỷ lệ DN tự tìm hiểu từ khi dự thảo văn kiện được xây dựng đã tăng từ 24% năm 2013 lên 29% năm 2015. Những cải thiện trong chất lượng dịch vụ công của cơ quan hải quan cũng đã được ghi nhận khi tỷ lệ DN tiếp cận được văn bản pháp luật do cơ quan hải quan thông báo từ khi dự thảo văn bản được xây dựng tăng đáng kể, từ 12% năm 2013 lên 20% năm 2015. Trong quá trình tìm hiểu thông tin pháp luật hải quan, 77% DN gửi câu hỏi tới Cục Hải quan địa phương và 11% gửi tới Tổng Cục Hải quan để được tư vấn. Tỷ lệ hài lòng với việc trả lời vướng mắc của các đơn vị nêu trên lần lượt là 77% và 76%.
Giải quyết thủ tục tại Bộ phận một cửa Chi cục hải quan Gia Thụy. 	Ảnh: Viết Thành
Giải quyết thủ tục tại Bộ phận một cửa Chi cục hải quan Gia Thụy. Ảnh: Viết Thành
Đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan hải quan khi DN gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục, đại đa số DN đều đánh giá sự hỗ trợ này là tích cực. Cụ thể, 77% DN cho biết sự hỗ trợ của cơ quan hải quan phần lớn là kịp thời, có 83% DN cho biết sự hỗ trợ này là hoàn toàn hiệu quả. Ông Chu Hữu Nghị - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May Hưng Yên nhìn nhận: “Ngành Hải quan đã có bước cải tiến lớn. Các con số trong báo cáo đã phản ánh tương đối đúng về hải quan địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những cục hải quan địa phương có chỉ số hài lòng cao vẫn có những đơn vị chỉ số thấp. Tổng cục Hải quan phải làm sao để chỉ số hài lòng giữa các địa phương là tương đồng nhau”.

28% DN vẫn phải trả phí “lót tay”

Đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của các công chức hải quan, ông Tuấn cho hay, phần lớn DN chỉ “chấm” ở mức bình thường (từ 55 - 61%) tại tất cả tiêu chí. Có 38% DN đồng tình với nhận định “công chức hải quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao” ở mức cao/rất cao. Về thái độ phục vụ, 35% DN cho rằng cán bộ hải quan có thái độ văn minh, lịch sự khi tiếp xúc, còn 32% DN cho rằng “cán bộ hải quan coi DN là đối tác hợp tác”.

Về mức độ an hiểu chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ hải quan, các DN đều cho rằng mức độ này là khá/tốt. Đối với kỹ năng giải quyết công việc, có 56% DN cho rằng kỹ năng thực hiện thủ tục thông quan – khâu kiểm tra hồ sơ của công chức hải quan ở mức khá/tốt. Ở khâu kiểm tra thực tế hàng hóa, tỷ lệ này là 54% và 49% cho điểm khá/tốt đối với kỹ năng xử lý thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát và nộp thuế. “Đáng chú ý, khoảng 35% DN được khảo sát từ chối trả lời câu hỏi về phí ngoài quy định. Tuy vậy, vẫn có 28% DN cho biết họ phải trả thêm chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các TTHC về hải quan. Một số DN cho biết còn e ngại sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả thêm chi phí ngoài quy định” – ông Tuấn chia sẻ. Đối với kết quả giải quyết công việc, có 55% DN cho biết chỉ cần đi lại một lần để hoàn thiện bộ hồ sơ hợp lệ cho việc xét miễn thuế. Tỷ lệ này đối với hồ sơ hoàn thuế trước và kiểm tra sau, kiểm tra trước, hoàn thuế sau là tương đối như nhau, chiếm khoảng một nửa số DN tham gia khảo sát.

Đánh giá về những kết quả của nội dung khảo sát của năm 2015, ông Nguyễn Giang Tiến, chuyên gia lĩnh vực Logistics thẳng thắn cho rằng: “Cộng đồng DN ghi nhận quyết tâm cải cách TTHC của ngành hải quan. Chúng tôi đã phần nào yên tâm hơn với ngành hải quan hiện nay. Nhưng điều chúng tôi băn khoăn là cấp T.Ư đã quyết tâm cao nhưng ở địa phương liệu có nghiêm túc thực hiện để thời gian tới cải thiện hình ảnh ngành hải quan?”. Ông Tiến chỉ rõ, hiện ở một vài địa tỉnh phía Bắc và ở TP Hồ Chí Minh vẫn có hiện tượng “cò” hải quan. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đại đa số DN (khoảng 82%) đặt kỳ vọng cơ quan hải quan tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, tạo thuận lợi hơn cho DN.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, cuộc khảo sát được VCCI, Tổng cục Hải quan, Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện từ tháng 4 - 6/2015. Khoảng thời gian này, ngành hải quan tiến hành áp dụng nhiều biện pháp cải cách TTHC. Nếu kết quả khảo sát tiếp tục cập nhật tiến trình thực hiện những đột phá cải cách của ngành hải quan trong những tháng gần đây sẽ ghi nhận thêm nhiều cố gắng của ngành.
Đã có một sự thay đổi, chuyển đổi rất lớn từ tư duy Nhà nước quản lý và quản lý là đặc quyền, ban ơn, ban phát... sang tư duy Nhà nước cung cấp dịch vụ công, tư duy Nhà nước phục vụ, đồng hành với sự phát triển. Trong đó, muốn cải thiện dịch vụ công, đánh giá chất lượng phục vụ thì điều quan trọng là phải biết người đang sử dụng dịch vụ, thụ hưởng dịch vụ đó đánh giá như thế nào, cảm nhận và kỳ vọng ra sao.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
Chúng tôi cảm nhận ngành Hải quan đã coi DN là đối tác, đây là lĩnh vực hải quan đang đi đầu trong quản lý hiện đại. Tới đây, VCCI cần công bố chi tiết hơn con số về 34 cục hải quan địa phương để thấy rõ đơn vị nào tốt, đơn vị nào chưa tốt. Và đề nghị có thêm báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của DN với TTHC ở các bộ, ngành khác nữa.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Sản xuất và XK Thủy sản Việt Nam
Báo cáo cho thấy 53% DN từng bị xử lý vi phạm hành chính hải quan. DN càng lớn thì khả năng từng bị xử lý vi phạm càng cao. Con số vi phạm như vậy là cao, các cơ quan cần suy nghĩ về con số đó, cùng một quy định có công chức này bảo DN có vi phạm, có công chức bảo không.
Ông Phạm Thanh Bình - Chuyên gia lĩnh vực hải quan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần