Theo báo cáo phân tích ngành Logistics của StoxPlus phát hành tháng 9/2014, ngành logistics VN hiện đạt quy mô 20 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Chênh lệch nội - ngoại
Tuy nhiên, các DN trong nước chiếm thị phần nhỏ và chỉ tập trung vào các dịch vụ vận tải và vận hành các tài sản liên quan như cảng và dịch vụ bốc dỡ, thủ tục thông quan. Nguyên nhân chính là do các DN trong nước bị phân tán bởi các yếu tố hạ tầng, quy mô hoạt động nhỏ lẻ...
Ngoài ra, khoảng 85% DN chỉ nằm trong giai đoạn đầu của chuỗi giá trị ngành, tức là chủ yếu hoạt động ở mô hình 1PL và 2PL. Các dịch vụ 4PL (cung cấp dịch vụ logistics thứ tư hay logistics chuỗi phân phối) chưa được phát triển.
Theo giải thích của Hiệp hội Logistics, có hai lý do dẫn đến sự chênh lệch về sức mạnh trên thị trường giữa các tập đoàn ngoại và các DN nội.
Thứ nhất, VN là quốc gia đang trong giai đoạn phát triển và chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vì vậy chi phí logistics có giá trị nhỏ (hơn 20 tỷ USD) so với các nước trong khu vực nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong GDP (20%).
Thứ hai, bản thân nhu cầu sử dụng logistics trong các ngành hàng cũng chưa thực sự phát triển. Hiện nay, cấu phần lớn nhất trong chi phí logistics là chi phí vận tải và chỉ yếu tập trung vào hàng tiêu dùng.
Ngoài ra, việc siết chặt các quy định của Bộ Giao thông Vận Tải đối với vận tải đường bộ trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị vận tải trong nước. Mặc dù biện pháp này được đánh giá là cần thiết trong dài hạn.
Vì sao nước ngoài đẩy mạnh M&A ngành logistics?
Sự khác biệt về nhu cầu thị trường của khách trong nước và các khách hàng nước ngoài có thể nói là một trong những nguyên do trực tiếp thúc đẩy làn sóng M&A với các DN logistics VN.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc khai thác thị trường nội địa VN, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, do đó hoạt động M&A trong ngành logistics cũng trở nên nhộn nhịp.
Để khai thác thị trường nội địa thì rõ ràng phải sử dụng hoặc hợp tác với một doanh nghiệp trong nước một cách hiệu quả và thâm nhập nhanh hơn.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hữu Hiệu - Tổng Giám đốc Nexus, Cty đã tư vấn một số thương vụ cho các DN VN và Nhật bản cho biết: “Khi đầu tư vào VN, các tập đoàn nước ngoài sẽ có 3 lựa chọn: tự thành lập chi nhánh/ văn phòng đại diện thành lập Cty 100% vốn do họ sở hữu và Đầu tư cổ phần thiểu số hoặc chi phối vào các đơn vị trong nước. Mô hình chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có nhiều bất cập và chỉ phục vụ các khách hàng nước ngoài của họ. Trong khi đó, thành lập Cty 100% là cách làm truyền thống và khó có thể phát triển nhanh. Trong khi đó, mua lại một DN trong nước và triển khai hợp tác có thể là bước đi hợp xu thế hiện nay”.
Nhiều yếu tố khác đang hỗ trợ tốt hơn cho xu hướng này. Cụ thể, điều kiện pháp lý đã thông thoáng hơn và đặc biệt các rào cản sở hữu nước ngoài trong ngành giảm đi theo cam kết gia nhập WTO.
Nhìn sâu hơn vào ngành, rõ ràng, các DN trong nước chủ yếu tham gia ở 3 nhóm dịch vụ: (1) dich vụ hỗ trợ kê khai hàng hoá dựa trên các giấy phép xuất khẩu; (2) vận hành và khai thác cảng bốc dỡ hàng hoá và (3) vận tải (đường bộ, biển và sông).
Các dịch vụ giới hạn trên đất liền như vận chuyển giao hàng tận nơi (door-to-door delivery) chưa có nhiều DN lớn mạnh. Mặt khác, trong chuỗi giá trị này, vận hành các hệ thống kho bãi, đặc biệt là kho chuyên dụng như kho lạnh với nhiều tiêu chí kỹ thuật cao cũng chưa được các DN trong nước đầu tư phát triển.
Ông Hiệu cũng cho rằng “Cùng với sự gia tăng của quy mô thương mại giữa VN và Nhật Bản, nhiều tập đoàn Nhật Bản có kế hoạch thâm nhập thị trường nội địa, các tập đoàn này muốn các dịch vụ logistics mang tính gia tăng hơn cho các lô hàng từ Nhật Bản đến khách hàng VN. Trong khi đó, các đối tác VN còn khá phân tán từ khâu vận tải, thủ tục hải quan, quản trị đơn hàng, lưu kho bãi... Thực tế, có một số nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực này nhưng gặp nhiều khó khăn!”, ông Hiệu cho biết.
Sự phát triển về định hướng dịch vụ và chiến lược của các DN trong ngành logistic qua các giai đoạn
|
Ngành logistics có nhiều phân khúc khác nhau mà các DN VN vẫn có nhiều lợi thế nhất định để cạnh tranh. |
Ngành logistics đang có cơ hội phát triển
Nguyễn Thủy
|
Cơ hội win - win
Trong những năm gần đây, một số thương vụ mua lại hoặc đầu tư chiến lược và hợp tác thương mại đã diễn ra. Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ đều ở quy mô nhỏ.
Đại diện Hiệp hội Logistics VN cho biết: Hiện có hơn 1.200 DN trong nước hoạt động trong ngành nhưng chỉ chiếm 20% thị phần và trong khi hơn 30 DN nước ngoài chiếm 80%. Đây đều là các tên tuổi lớn và có chuỗi cung ứng mang tính khu vực hoặc quốc tế. Các tuyến vận tải hàng hoá lớn đến và đi khỏi VN trên các tuyến quốc tế đều do các tập đoàn lớn nước ngoài thực hiện.
Rào cản cho đầu tư nước ngoài
Một số DN có quy mô lớn như Gemadept và Vinalink nhưng mô hình kinh doanh lại quá phân tán là yếu tố đã cản trở các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Ví dụ Gemadept, Cty trong ngành lớn nhất trong ngành nhưng mô hình kinh doanh lại quá “tạp” trong khi mô hình quản trị và Cty “mẹ - con” chưa được hình thành rõ nét. Trên thực tế, Gemadept mở rộng sang cả cao su, cầu cảng,...
Vào cuối năm 2014, một thương vụ M&A đáng chú ý trong ngành logistics đã diễn ra, sau khi Shibusawa Warehousing Ltd (Japan) mua lại 35% cổ phần của Vinafco. Trước đó, Vinafco có đặc điểm hoạt động phân tán trên nhiều phân khúc khác nhau của thị trường này.
Tuy nhiên, Vinafco có thế mạnh vượt trội so với các Cty khác trong ngành về hệ thống diện tích kho bãi và năng lực vận tải cả trên bộ và trên biển với tuyến bắc-nam và ngược lại. Theo thống kê, Vinafco hiện đã tích luỹ được khoảng 54 ngàn m2 hệ thống kho bãi tại các điểm vệ tinh và thuận lợi (gần cảng lớn) tại khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và khu vực TP.HCM. Dù doanh thu từ vận hành và cho thuê kho bãi chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu 2014 của Vinafco nhưng đây là yếu tố nền tảng để tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trao đổi với người viết, ông Trịnh Ngọc Hiến - Chủ tịch của Vinafco chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu tham gia đầu tư và cải tổ Vinafco từ năm 2006, đến thời điểm năm 2010, cùng với tư vấn quốc tế chuyên ngành là Logistcs Bureau, chúng tôi đã nhìn nhận đây là yếu tố xu hướng và là nền tảng cho Vinafco nhằm cung cấp giải pháp logistics tổng thể. Cùng với việc mở rộng hệ thống kho bãi (Vinafco hiện đã tích lũy được khoảng hơn 430 ngàn m2 quỹ đất kho bãi, trong đó hơn 87 ngàn m2 là diện tích kho đã đưa vào khai thác) thì chúng tôi đã đầu tư hệ thống phần mềm quản lý kho Warehouse Management System. Với hệ thống quản lý và phần mềm này, hàng hóa trong kho được quản lý khoa học, thuận tiện nhanh chóng trong quá trình xuất hàng, nhập hàng. Mặt khác phần mềm này giúp hàng hóa được quản lý đến từng khu vực, từng mã hàng, lô sản xuất, ngày tồn kho… giúp khách hàng lựa chọn phương án lưu trữ, luân chuyển, lưu thông, tồn kho hợp lý, khắc phục những sai sót do không kiểm soát được hàng hóa như việc áp dụng biện pháp quản lý kho hàng thủ công hoặc truyền thống trước đây… Sự nỗ lực của Vinafco theo đó đã tăng sức cạnh tranh của DN và được các khách hàng, đối tác và nhà đầu tư quan tâm”.
Lợi thế cạnh tranh
Trước đó, một số thương vụ mua lại khác đã diễn ra như Kerry mua lại Tín Thành Express, UPS mua lại 49% cổ phần của VNExpress... Tuy nhiên, hầu hết các DN này đều ở quy mô nhỏ hơn và định giá Cty đều ở dưới mức 10 triệu USD.
Rõ ràng khó phủ nhận rằng phần lớn thị trường logistics đã được các nhà cung cấp nước ngoài chi phối. Đây là hệ quả tất yếu do độ mở cao của nền kinh tế VN (kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP hàng năm).
Tuy nhiên, ngành logistics có nhiều phân khúc khác nhau mà các DN VN vẫn có nhiều lợi thế nhất định để cạnh tranh.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ là những dịch vụ liên quan đến vận hành các tài sản gắn liền với đất như cảng và kho bãi cũng như các dịch vụ trực tiếp phục vụ cộng đồng DN và cá nhân người VN. Vấn đề nằm ở chỗ các DN cần hướng đến một mô hình kinh doanh rõ ràng và quản trị minh bạch cũng như thiết kế một sự hợp tác win-win cho cả các cổ đông Việt Nam và đối tác nước ngoài khi tham gia.
Quan trọng hơn hết, theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia M&A, một định hướng kinh doanh rõ ràng với sự cam kết cao độ của cổ đông và ban lãnh đạo phía VN cũng như sự cởi mở và chân thành trong hợp tác sẽ là yếu tố quan trọng nhất hướng đến bất kỳ một sự hợp tác thành công nào.
|