Ngành Quản trị du lịch và giải trí: Nhiều cơ hội tiếp cận

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh minh họa

“Sinh viên học chương trình này được cập nhật kiến thức mới đương đại, giỏi ngoại ngữ, có phương pháp tư duy hiện đại và khi tốt nghiệp được cấp bằng quốc tế” - ông Nguyễn Đức Hoa Cương - Trưởng bộ môn Du lịch, ĐH Hà Nội chia sẻ về ưu thế của chương trình cử nhân Quản trị du lịch và giải trí được triển khai đào tạo từ năm 2014. 
Ảnh minh họa
Kinhtedothi - Ảnh minh họa
Để được tham gia học chương trình do ĐH Hà Nội hợp tác với ĐH FH KREMS (đào tạo khoa học kỹ thuật hàng đầu nước Áo) đào tạo bằng tiếng Anh này, người học phải đạt trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 và tốt nghiệp THPT. Nếu khả năng tiếng Anh chưa đạt yêu cầu, trường sẽ cho “nợ” đầu vào một học kỳ, tuy nhiên, các thí sinh phải vượt qua vòng phỏng vấn trực tiếp. Chương trình có thời gian đào tạo 4 năm, năm đầu, sinh viên sẽ được học tiếng và học thuật, 3 năm học tiếp theo có 6 học kỳ học chuyên ngành với 111 tín chỉ giờ lên lớp và 28 tín chỉ thực hành. Việc dạy các môn học được chia đều cho 5 học kỳ, mỗi học kỳ yêu cầu sinh viên phải học 2 ngoại ngữ, gồm ngoại ngữ 1 là Tiếng Anh để đạt đầu ra IELTS 6.5 và ngoại ngữ 2 là Tiếng Đức hoặc Tiếng Trung đạt trình độ cơ bản.

Do được thiết kế theo hướng quản trị kinh doanh và quản trị ngành du lịch giải trí, nên chương trình có một số môn cơ sở ngành; các môn phổ thông nhưng chuyên sâu của ngành du lịch; một số môn mới là xu hướng thịnh hành trong ngành du lịch (Du lịch sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp, Du lịch thể thao, Du lịch ngành công nghiệp, Du lịch hội nghị…) và nhóm các môn về quản lý và marketing điểm đến, hệ thống đặt giữ chỗ, du lịch điện tử, quản lý ngành giải trí do chuyên gia giáo dục của trường ĐH FH KREMS đào tạo. Nhà trường dành riêng học kỳ thứ 4 để sinh viên đi thực tập tại các đơn vị du lịch trong nước. Nếu sinh viên muốn đi thực tập tại Áo hoặc đối tác của ĐH FH KREMS tại các nước trong khu vực châu Âu hay châu Á sẽ được tạo điều kiện. Tất nhiên, các em sẽ phải trả chi phí vé máy bay và ăn ở trong thời gian thực tập.

Theo dự báo, đến năm 2020, ngành du lịch Việt nam cần 1 triệu lao động trực tiếp, trong đó có từ 20 - 30% lao động đã qua đào tạo. Mặc dù mấy năm gần đây, nhiều trường ĐH mở ngành du lịch và khách sạn nhưng số lượng đáp ứng được yêu cầu công việc rất khiêm tốn. Với tấm bằng tốt nghiệp do ĐH FH KREMS cấp, sinh viên có thể học tiếp thạc sĩ, TS của bất cứ trường ĐH nào trên thế giới. Ngoài cơ hội làm việc tại các cơ quan quản lý về du lịch, các DN du lịch, các cơ quan truyền thông và tổ chức sự kiện ở trong nước, các em dễ dàng thể hiện năng lực của mình ở nước ngoài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần