Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành tài nguyên và môi trường Hà Nội: “Cú hích” trong năm 2018

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) đã chủ động triển khai đồng bộ các kế hoạch, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm…”. Đồng thời, đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường hợp tác đầu tư… đã thực sự tạo nên “cú hích” trong công tác quản lý đất đai, cải thiện môi trường TP.

 Giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TN&MT Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông, thời gian qua, Sở đã tiến hành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TN&MT theo hướng cải cách quy trình, TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày (giảm 3 ngày); thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) từ 30 ngày xuống còn 14 ngày; lĩnh vực đo đạc bản đồ đã giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày; bàn giao mốc giới ngoài thực địa giảm từ 7 ngày xuống 5 ngày,... Cùng đó, tập trung rà soát từng thành phần, từng khâu thực hiện liên thông hồ sơ nhằm đơn giản hóa các TTHC liên quan đến lĩnh vực này, cắt giảm thực hiện từ 30 - 35%; tăng tỷ lệ giải quyết TTHC qua mạng, thực hiện cung cấp từ 40 - 50% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.

Cùng với đó, Sở TN&MT luôn quan tâm đến công tác rà soát, bố trí đủ và ổn định cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm xử lý hồ sơ, công việc; Củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai theo quy định. Không ngừng chú trọng đầu tư trang thiết bị làm việc, cơ sở vật chất cho văn phòng đăng ký đất đai các cấp và các điểm tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC, bảo đảm thời hạn giải quyết các TTHC theo quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Nhờ những cải cách đột phá kể trên đã tạo nên cú hích trong cấp GCN. Đến nay, cấp GCN trên địa bàn TP lần đầu đạt 100% kế hoạch; cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 99,35%; cho người mua nhà tái định cư đạt 94,6%; cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,01%;...

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và giảm bớt khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, ngành TN&MT Hà Nội còn tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, làm tốt công tác tiếp công dân, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực. Chú trọng công tác hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở, coi trọng công tác tiếp xúc, đối thoại với người dân, DN trong quá trình giải quyết khiếu nại tốt cáo, tranh chấp. Qua đó, nắm được tâm tư, nguyện vọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan để trao đổi, tháo gỡ vướng mắc và thống nhất biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai...
Xe rác lưu động trên đường phố Hà Nội
Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường

Bên cạnh hiệu quả trong quản lý đất đai, theo ông Nguyễn Trọng Đông, công tác đảm bảo môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân luôn được lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm, chú trọng. Năm 2018, không chỉ tăng cường rà soát, kiểm tra và xác định các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn, xử lý vi phạm, ngành TN&MT TP Hà Nội còn triển khai các đề án, chiến dịch, chương trình; tích cực phối hợp với Nhóm các TP đứng đầu về biến đổi khí hậu (C40) để tìm ra các giải pháp kiểm kê, xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động về kiểm kê khí nhà kính, giải quyết các thách thức về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể là việc triển khai xây dựng đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020 theo Chương trình công tác số 06/2016/CT-TU của Thành ủy Hà Nội; đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại; thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy; triển khai các nhiệm vụ thuộc đề án bảo vệ môi trường làng nghề; triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường không khí”, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trực tiếp tại đồng để làm phân bón hữu cơ, cải tạo đất và chương trình sử dụng bếp cải tiến thân thiện môi trường thay thế bếp than tổ ong trên địa bàn TP. Thực hiện các nhiệm vụ về Bảo tồn đa dạng sinh học, diệt trừ cây mai dương, thực hiện thí điểm mô hình xử lý sinh học bằng trồng cây thay thế;...

“Đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên những thông tin về chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các địa bàn TP Hà Nội luôn được cập nhật rộng rãi, hàng ngày, trên phương tiện truyền thông. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm minh bạch hóa thông tin, qua đó thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường” - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội nhận định.

Được biết, năm 2018, các hoạt động nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn là một trong những điểm nhấn trong công tác bảo đảm môi trường của TP. Trong đó phải kể đến việc tiếp tục nỗ lực triển khai có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-TU và KH 160/KH-UBND; phối hợp với tổ chức AirParif (Pháp) triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí tại Hà Nội; tiếp tục vận hành hiệu quả 10 trạm quan trắc tự động không khí và 1 xe quan trắc không khí tự động, lưu động, 06 trạm quan trắc nước mặt tự động (Trạm quan trắc sông Nhuệ, sông Cầu Bây, sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm và trạm quan trắc tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn), truyền số liệu về Trung tâm truyền nhận, xử lý, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường cùng với các trạm quan trắc của Bộ TN&MT trên địa bàn TP để phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

“Đối với việc quan trắc môi trường tự động, Sở đã yêu cầu các đơn vị có phát sinh nguồn xả thải lớn trên 1.000m3/ngày đêm lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, đồng thời tiến hành rà soát, thống kê và lập danh sách 29 đơn vị phải lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động. Hiện tại, có 22 đơn vị, trạm quan trắc tự động (4 Khu công nghiệp (KCN), 1 cụm công nghiệp; 2 DN khác nằm bên trong KCN và ngoài KCN; 10 nhà máy xử lý nước thải; 5 trạm quan trắc nước mặt tự động) truyền dữ liệu quan trắc về Sở TN&MT, gồm 2 trạm quan trắc nước mặt, 11 trạm quan trắc nước thải và 9 trạm quan trắc không khí tự động để giám sát”- ông Nguyễn Trọng Đông cho biết.