Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành thép trước nguy cơ thua trên sân nhà

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do nguồn cung thép lớn hơn nhiều so với nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá thép ở thị trường nước ngoài. Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi làn sóng xuất khẩu thép của Trung Quốc.

Áp lực nhập siêu, nguy cơ mất thị trường nội địa

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất có thể đạt đến 30 triệu tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng, tồn kho lớn.

Điều đáng lo ngại của ngành thép Việt là đang có nguy cơ bị mất thị trường nội địa do thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong năm 2023, lượng sắt thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 62% trong tổng lượng và chiếm 54% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thép, với khoảng 500 nhà máy thép các loại, tổng công suất khoảng 1,17 tỷ tấn thép/năm vào năm 2023.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, thép Việt Nam đang đối mặt với áp lực nhập siêu. Năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn với trị giá hơn 10,4 tỷ USD, tăng 14,07% so với năm 2022. Trung Quốc là nước xuất khẩu vào Việt Nam nhiều nhất với hơn 62% tổng lượng và hơn 54% về tổng giá trị.

Thép giá rẻ của Trung Quốc nhập khẩu tăng mạnh vào Việt Nam trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Hùng
Thép giá rẻ của Trung Quốc nhập khẩu tăng mạnh vào Việt Nam trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Hùng

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn thép (tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng giá trị gần 6 tỷ USD (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Số nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép là hơn 3 tỷ USD, tăng 24,8%.

Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xu hướng nhập khẩu thép Trung Quốc tăng mạnh vừa qua xuất phát từ nguyên nhân kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản nguội lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu đi. Khi đó Trung Quốc sẽ gia tăng xuất khẩu thép ra nước ngoài.

Hiện, Trung Quốc chiếm hơn 1/2 sản lượng thép của thế giới nên chỉ cần thay đổi chiến lược tăng xuất khẩu ra nước ngoài cũng gây nhiều áp lực lên các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Khó khăn, rủi ro bủa vây doanh nghiệp

Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa đánh giá, khó khăn lớn nhất là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các DN thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại (PVTM) ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép của Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó, tình trạng cung vượt cầu của nhiều sản phẩm thép trong nước và sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng…tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các DN ngành thép.

Bộ Công Thương nhận định, ngành thép Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn do cầu thế giới và tăng, đặc biệt là sự sụt giảm của ngành bất động sản trong nước dẫn đến nhu cầu thép đầu vào cho sản xuất các ngành công nghiệp xây dựng và xuất khẩu giảm; giá nguyên liệu tăng khiến chi phí sản xuất cao; tồn kho thép lưu thông ngoài thị trường còn ở mức cao.

Đáng lưu ý, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra PVTM nhiều nhất trên thế giới. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra PVTM với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép.

Các sản phẩm thép bị điều tra, gồm: thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Australia, Malaysia, Indonesia…

Đơn cử như sản phẩm thép không gỉ: mỗi năm Việt Nam sản xuất hơn 800.000 tấn thép không gỉ nhưng thị trường tiêu thụ chỉ khoảng 250.000 tấn, trong đó các DN nội địa bán khoảng hơn 115.000 tấn (khoảng 45%) và nhập khẩu thì lên đến 135.000 tấn (khoảng 55%). Mặt khác, thép không gỉ Việt Nam đang phải chịu thuế PVTM cao ở thị trường một số nước như: Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhỹ Kỳ, Mỹ…

Hiện nay, một số mặt hàng thép không gỉ xuất khẩu tiếp tục bị điều tra tại Ấn Độ và EU. Như vậy, các DN thép không gỉ Việt Nam đang rất khó khăn khi vừa phải đối mặt với sức cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu với lợi thế về giá ở thị trường nội địa, vừa gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường nước ngoài.

Cấp thiết bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và ngành thép

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Tổ chức Kinh tế thế giới (WTO) có công cụ để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá trên thị trường hay thép nhập khẩu làm ảnh hưởng và tổn hại đến ngành công nghiệp thép trong nước.

Công nghiệp sản xuất thép của Việt Nam còn khá trẻ, do vậy năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Khi thép nhập khẩu tràn vào bán phá giá trên thị trường làm tổn hại đến ngành công nghiệp sản xuất thép trong nước, kìm hãm sự phát triển của ngành thép, các DN buộc phải lựa chọn công cụ, giải pháp bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, việc bán phá giá thép khiến các DN nội địa gặp khó khăn lớn, nguồn thu giảm, công ăn việc làm của người dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc điều tra chống bán phá giá sẽ bảo vệ sản xuất trong nước. Các biện pháp PVTM cũng có thể giúp loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu qua đó tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có các chính sách hỗ trợ cho ngành thép. Tính đến nay, Việt Nam áp dụng 12/28 vụ PVTM đối với các sản phẩm thép (chiếm 46% tổng các vụ PVTM đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam).

Các vụ việc chống bán phá giá sản phẩm luôn được Chính phủ và VSA ủng hộ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước bị tổn thương bởi các hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Đáng lưu ý, Trung Quốc luôn là quốc gia bị cáo buộc bán phá giá trong tất cả các vụ kiện chống bán phá giá thép cán nguội, tôn mạ màu, mạ kẽm hay thép không gỉ trước đây.

Tuy nhiên, trước hàng loạt rủi ro, VSA đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.

VSA cũng đề nghị Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp PVTM (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

 

Thép là sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa siêu trường, siêu trọng. Nếu tự chủ được sản xuất trong nước sẽ giúp ổn định thị trường và nền kinh tế. DN trong nước có lợi thế là ở gần thị trường hơn, nếu bị bán phá giá thì sẽ mất đi lợi thế này. Việc điều tra chống bán phá giá thép sẽ làm cho kinh tế thị trường minh bạch, tích cực hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - PGS.TS Phan Đăng Tuất