Theo bà Joanna Nasr, đồng tác giả Báo cáo môi trường kinh doanh của WB, các chỉ số hiện nay chủ yếu tập trung đánh giá và đo lường gánh nặng thủ tục hành chính ở khâu chuẩn bị, kê khai và nộp 3 loại thuế chủ yếu như thuế Thu nhập DN, thuế GTGT và các loại bảo hiểm bắt buộc.
Tuy nhiên, trong chỉ số nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2016 của WB, sẽ mở rộng thêm 3 tiêu chí sau kê khai thuế, vốn cũng là gánh nặng thủ tục hành chính với DN, là thanh tra, khiếu nại về thuế và hoàn thuế.
Cụ thể, đối với tiêu chí về thanh tra, WB sẽ thu thập dữ liệu về quy trình và thời gian có liên quan đến thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế để đảm bảo độ chính xác. Việc đánh giá có thể thực hiện đối với cách thức kiểm tra tại bàn hoặc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại chính doanh nghiệp. Đối với khiếu nại về thuế, sẽ thu thập dữ liệu về quy trình và thời gian liên quan tới nộp tờ khai và trình bày vụ việc trước khi khiếu nại ở bất kỳ cấp nào, ví dụ như rà soát hành chính, tòa án thuế, tòa thương mại hay các tòa án cấp trên khác. Đối với hoàn thuế, WB sẽ thu thập dữ liệu về thời gian làm hồ sơ hoàn thuế GTGT và thuế TNDN, bao gồm cả thời gian chuẩn bị các thông tin cần thiết để làm căn cứ xin hoàn thuế. Ngoài ra, còn xem xét thời gian cần thiết để được hoàn thuế GTGT hoặc thuế thu nhập DN tính từ lúc nộp tờ khai đến khi nhận được khoản hoàn thuế đầu tiên.
Điều đáng chú ý là, cách thức thực hiện phân tích và đánh giá của WB đối với các tiêu chí bổ sung tới đây sẽ hết sức chi tiết, đi sâu vào các tình huống cụ thể mà DN và người nộp thuế thường gặp phải, để đánh giá một cách chính xác và chi tiết ở mức tối đa đối với từng tình huống. Theo đó, bà Joanna cho hay, trên cơ sở 3 tiêu chí bổ sung, các chuyên gia WB sẽ xây dựng kịch bản nghiên cứu cụ thể đối với từng tình huống dẫn tới xin hoàn thuế GTGT, thuế TNDN, hay tình huống dẫn tới khiếu nại về thuế cũng như tình huống thanh tra thuế mà DN hay gặp phải dựa trên việc đặt câu hỏi trực tiếp đối với DN và các chuyên gia thường xuyên thực hiện tư vấn về các yêu cầu của quy định và pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể, bao gồm công chứng viên, luật sư, thẩm phán, kế toán viên, kiến trúc sư, cán bộ giao nhận vận tải…
“Với phương pháp này, chắc chắn sẽ cải thiện được rất nhiều tính chính xác từ các dữ liệu thực tế DN gặp phải, để có cơ sở đánh giá chính xác theo các tiêu chí mới”, bà Joanna khẳng định.
Đánh giá về các tiêu chí mới bổ sung này của WB, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cách tính mới này sẽ tạo áp lực lớn đối với cơ quan thuế trong việc đáp ứng các tiêu chí mới để có thể nâng được xếp hạng. Theo lý giải của bà Cúc, hiện nay, các khâu thanh tra kiểm tra nộp thuế không thể không đẩy mạnh thực hiện để phát hiện các hành vi gian lận, chuyển giá của một bộ phận DN trong điều kiện DN được chuyển sang tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế, mặt khác cũng là nhằm tuyên dương khuyến khích và tôn vinh các DN chấp hành tốt việc nộp thuế.
Tuy nhiên, theo bà Cúc, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong thanh tra kiểm tra và đặc biệt là việc yêu cầu DN cung cấp thông tin lặp đi lặp lại, tạo gánh nặng và gây mất thời gian rất nhiều cho DN và theo đó tăng thời gian của các khâu sau nộp thuế, và đây chính là yếu tố sẽ làm ảnh hưởng tới chỉ số nộp thuế của Việt Nam khi áp dụng tiêu chí mới trong năm 2016.
“Hiện nay, các cơ quan có thể thanh tra thuế đối với DN khá nhiều, bao gồm cơ quan thanh tra thuế ở cấp chi cục, cục và tổng cục, rồi thanh tra tài chính, thanh tra Chính phủ, kiểm toán nhà nước, chưa kể công an kinh tế đều liên quan tới DN. Để tránh sự chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra thì kế hoạch giữa các cơ quan này phải có sự liên kết. Mặt khác, khi thanh tra các đơn vị DN, các cơ quan cần phải sử dụng các thông tin kết quả của nhau vì luật đã quy định các thông tin về DN mà cơ quan quản lý nhà nước đã có thì không yêu cầu DN cung cấp lại. Có như vậy, mới giảm được tình trạng ai xuống cùng đòi cung cấp lại kết quả, tạo gánh nặng và mất thời gian cho DN”, bà Cúc nhấn mạnh.
Bà Cúc cũng cho biết, theo tiêu thức mới, nếu cộng thêm việc đánh giá cả số giờ các khâu sau nộp thuế, đặc thù của Việt Nam về quản lý dòng tiền khác so với các nước khác, rủi ro nhiều hơn, nên quy trình thủ tục tranh tra, kiểm tra của Việt Nam cũng nhiều hơn. Do đó, theo bà Cúc, ngành thuế cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để có phương án kịp thời đáp ứng tiêu chí mới, tránh để bị tụt hạng theo cách tính toán mới của WB trong năm 2016.
Ảnh minh họa
|