Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành Tư pháp: Nỗ lực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo công tác Quý IV/2022. Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo.

Quang cảnh cuộc họp báo
Quang cảnh cuộc họp báo

Theo thông tin cung cấp tại cuộc họp báo, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án 06), Bộ Tư pháp đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ được giao để góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp và đã đạt được một số kết quả.

Về hoàn thiện thể chế: Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật triển khai Đề án 06; tập trung nguồn lực, kịp thời góp ý, thẩm định một cách trách nhiệm nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc triển khai Đề án 06, như: Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công...

Về cung cấp dịch vụ công: Năm 2022, Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tái cấu trúc quy trình, phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối các dịch vụ công trực tuyến thực hiện tại Bộ Tư pháp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, Bộ Tư pháp đã kết nối thành công thêm 37 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 57 dịch vụ công (tăng gần 200% so với cuối năm 2021). Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục thực hiện quy trình kiểm thử đối với 2 dịch vụ công thuộc lĩnh vực hộ tịch.

Với việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tư pháp đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đơn cử, trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, năm 2022 Bộ Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 1.183.976 phiếu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021), với tỷ lệ phiếu nộp, xử lý và trả kết quả trực tuyến chiếm tới 81.3% trên tổng số phiếu đăng ký, cung cấp thông tin.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm 2 dịch vụ công liên thông: Đăng kí khai sinh - Đăng kí thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng kí khai tử - Xóa đăng kí thường trú - Trợ cấp mai táng phí tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ tiếp tục được khai thác và sử dụng hiệu quả, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với hơn 58 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, bao gồm: hơn 36 dữ liệu đăng ký khai sinh (trong đó có hơn 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); hơn 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; gần 6,1 triệu trường hợp đăng ký khai tử và hơn 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.