Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành y giảm 1.260 lãnh đạo

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2018, ngành y tế tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn.

 Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ Y tế sẽ tinh giản được 20% biên chế và tiết kiệm được gần 13 tỷ đồng tiền lương mỗi tháng sau khi sáp nhập các đơn vị y tế. Trước đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BNV-BYT. Thực hiện thông tư này, trung bình mỗi tỉnh giảm 5 đơn vị y tế và tiến tới sẽ giảm 315 đơn vị tại 63 tỉnh/TP. Như vậy, sẽ giảm ít nhất 1.260 vị trí lãnh đạo (cấp trưởng, phó các đơn vị). Bên cạnh đó, sẽ giảm biên chế làm gián tiếp trong các tổ chức như hành chính, văn thư, tổ chức, lái xe, bảo vệ...

Theo thống kê, toàn ngành hiện có khoảng 17.000 cán bộ, trong đó có khoảng 3.400 cán bộ làm gián tiếp (chiếm khoảng 20%). Đến nay, đã giảm được 2.140 biên chế. Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Phạm Văn Tác, trong quy hoạch phát triển ngành y tế đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, trên cơ sở chỉ đạo của Nghị quyết 18 Ban Chấp hành T.Ư 6, Khóa XII, ngành y tế sẽ thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật T.Ư trên cơ sở sáp nhập các Cục phụ trách công tác chuyên môn trong khối y tế dự phòng lại thành một đơn vị.

Như vậy, có thể giảm từ 3 - 4 đơn vị như hiện nay còn 1 đơn vị.Đồng thời, ngành cũng sẽ tiến tới thành lập đơn vị kiểm soát dược, thực phẩm và thiết bị y tế T.Ư trên cơ sở các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn, có thể giảm từ 3 đơn vị như hiện nay còn 1 đơn vị. Khối các đơn vị quản lý khám, chữa bệnh có cùng chức năng nhiệm vụ tương đồng sẽ được xem xét thành 1 đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rà soát, chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa T.Ư đóng trên địa bàn các tỉnh về UBND tỉnh quản lý, Bộ chỉ quản lý một số bệnh viện đầu ngành là cơ sở thực hành của các trường đại học Y - Dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt.Đề cập đến việc sáp nhập các đơn vị, tinh gọn bộ máy quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đây là vấn đề rất nhạy cảm, khó khăn, phức tạp vì liên quan từng con người cụ thể.

“Về chính sách cán bộ, không thể để anh em nghỉ việc ngay được mà có thể sẽ áp dụng phương án một số cán bộ nghỉ hưu nhưng sẽ không tuyển mới; hoặc một số cán bộ nghỉ hưu sớm, hưởng lương và phụ cấp một lần; hoặc một số nơi ở các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, nếu cần thì sẽ chuyển cán bộ quản lý về làm chuyên môn” - Bộ trưởng nói và cho biết thêm, về công tác cán bộ, tinh giản biên chế sẽ phải làm từng bước, kỹ càng, cẩn trọng.