Theo đó, ngành y tế sẽ bố trí nhân lực và phương tiện, thuốc, trang thiết bị để thực hiện chăm sóc sức khỏe cho các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các bộ, ban ngành T.Ư, địa phương đại biểu và khách mời, các đoàn ngoại giao, các tầng lớp nhân dân đến thăm viếng, tham dự Lễ tang. Các đội cấp cứu lưu động, dự phòng cũng được thành lập để sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp xảy ra những tình huống cấp cứu chấn thương, thảm hoạ... Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý khám, chữa bệnh giúp lãnh đạo Bộ Y tế xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai, điều hành trực tiếp các công tác chuẩn bị của các đơn vị tham gia phục vụ Lễ tang. Chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ xe cứu thương, cơ số thuốc, dụng cụ trang thiết bị thiết yếu cho các tổ y tế tham gia phục vụ Lễ tang. Đồng thời phối hợp với Sở Y tế: Hà Nội, Quảng Bình, Hồ Chí Minh xây dựng các Kế hoạch, chỉ đạo TTYT Dự phòng tăng cường công tác kiểm dịch, giám sát dịch chặt chẽ, chủ động phát hiện các ổ dịch, khống chế dịch có hiệu quả không để dịch bùng phát. Tổ chức chỉ đạo về công tác vệ sinh môi trường, giám sát nguồn nước, vệ sinh ngoại cảnh, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội, Quảng Bình, Hồ Chí Minh. Các Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế Quảng Bình, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cần xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức triển khai công tác y tế sẵn sàng ứng phó các tình huống cấp cứu, thảm họa trong thời gian diễn ra Quốc tang Đại tướng. Ngoài ra, Bộ Y tế giao trách nhiệm cho từng bệnh viện phải xây dựng phương án, kế hoạch phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân. Bệnh viện Hữu Nghị cần xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức triển khai công tác y tế phục vụ Lễ tang tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Bố trí các tổ xe cứu thương, tổ y tế trực cấp cứu tại địa điểm Nhà tang lễ Quốc gia, và tháp tùng Đoàn viếng đi từ Nhà tang lễ Quốc gia đến sân bay Quốc tế Nội Bài. Đồng thời cắt cử 2 bác sĩ cấp cứu, hoặc hồi sức tích cực tháp tùng Đoàn lễ tang đi từ Nhà tang lễ Quốc gia đến sân bay Quốc tế Nội Bài và đi cùng Đoàn lên máy bay đến Quảng Bình, nơi an táng Đại tướng Võ nguyên Giáp và ngược lại. Bệnh viện Bạch Mai cần xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức triển khai công tác y tế phục vụ tham gia phục vụ Lễ tang tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Bố trí 2 tổ y tế thường trực cấp cứu tại địa điểm Nhà tang lễ Quốc gia và tháp tùng Đoàn viếng đi từ Nhà tang lễ Quốc Gia đến sân bay Quốc tế Nội Bài. Bệnh viện E lập Kế hoạch chi tiết về cấp cứu thảm họa và bố trí 2-5 giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận bệnh bệnh nhân khi có yêu cầu của Bộ Y tế và Ban tổ chức Lễ tang. Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cần lập Kế hoạch chi tiết về cấp cứu thảm họa và bố trí 2-5 giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận bệnh bệnh nhân khi có yêu cầu của Bộ Y tế và Ban tổ chức Lễ tang. Ngoài ra, các bệnh viện T.Ư Huế, Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, Thống Nhất, Chợ Rẫy... cũng cần xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức triển khai công tác y tế phục vụ Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại địa phương. Các bệnh viện Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Pháp, Công ty International SOS và các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội bố trí tổ y tế thường trực tại các bệnh viện, tổ cấp cứu lưu động, mỗi Bệnh viện bố trí 2-5 giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Các bệnh viện, viện có giường bệnh trên địa bàn TP Hà Nội bố trí các giáo sư đầu ngành, bác sĩ giỏi chuyên môn thường trực hỗ trợ khi có yêu cầu. Trong những tình huống đặc biệt cấp cứu thảm họa nếu xảy ra như tai nạn giao thông, cháy nổ, ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn nạn nhân, Bộ Y tế sẽ báo động huy động các đội cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh.