Ngành Y tế Thủ đô: Nhiều điểm sáng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phòng ốc khang trang, sạch sẽ, nhân viên y tế niềm nở, thủ tục rút gọn, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên... là những đổi thay của ngành y tế Thủ đô trong thời gian qua. Năm 2018, ngành tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Chỉ 3 giây, bệnh nhân biết số khám bệnh
Tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Đức Giang, thay vì phải xếp hàng lấy số thứ tự như trước đây, bà Nguyễn Thị Lanh (phường Đức Giang, quận Long Biên) chỉ mất 3 giây để quẹt thẻ, sau đó được nhân viên hướng dẫn lên phòng khám gặp bác sĩ.
 Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Xanh Pôn
“Tôi đi khám ở nhiều BV, kể cả những BV tuyến T.Ư cũng chưa áp dụng thẻ từ trong khám chữa bệnh như ở đây. Không phải đợi lâu, không có hiện tượng chen ngang, quẹt thẻ xong biết ngay số khám bệnh của mình” - bà Lanh cho biết.
Còn anh Trần Văn Chương (phường Bồ Đề, quận Long Biên) lần đầu tiên đưa người nhà đến BV khám bệnh chia sẻ, khi bước chân vào cửa đã thấy nhân viên tiếp đón niềm nở, hỏi han cẩn thận rồi hướng dẫn làm thủ tục khám bệnh. Người bệnh không phải chờ lấy kết quả ở các phòng chụp, chiếu, xét nghiệm như thường thấy, ở BV Đa khoa Đức Giang, kết quả được trả về nơi khám bệnh ban đầu, tạo thuận lợi cho bệnh nhân.
Ngoài ra, BV còn sơn vạch chỉ đường cho người bệnh trên sàn nhà theo dấu hiệu, màu đỏ là lối đi đến khu vực xét nghiệm máu, màu vàng chỉ lối đến khu chụp Xquang, màu xanh chỉ lối đến phòng thăm dò chức năng. Quy trình khám, chữa bệnh theo 5 bước được công khai ngay từ khu vực tiếp đón nên bệnh nhân đều được phục vụ theo tiêu chí “nhanh gọn, chính xác, thân thiện”.

Giám đốc BV Nguyễn Văn Thường cho biết, quyết tâm tạo chuyển biến mạnh, BV Đa khoa Đức Giang là đơn vị y tế đầu tiên của Hà Nội áp dụng thẻ từ thông minh. Nhờ những tiện ích của thẻ thông minh, người bệnh hoàn toàn làm chủ thời gian của mình, tiết kiệm tối đa thời gian chờ đợi, hạn chế những thủ tục phiền hà.
“Chiếc thẻ này còn tích hợp có thể lưu trữ toàn bộ thông tin và hồ sơ, bệnh sử của người bệnh giúp người dân chủ động tra cứu những thông tin về sức khỏe của mình trên hệ thống” - bác sĩ Thường nhấn mạnh. Không những vậy, những người có thẻ còn có thể đăng ký khám tại nhà thông qua tổng đài 19006888.

Còn tại BV Đa khoa huyện Hoài Đức, công tác cải cách hành chính cũng đang được đẩy mạnh. BV chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Tại đây, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã được quản lý trên mạng với mã số riêng.
Việc tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ những lần khám trước chỉ mất vài phút thay vì 30 phút tìm kiếm giấy tờ thủ tục hành chính như trước đây. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian chờ khám, cấp phát thuốc của bệnh nhân đã giảm xuống còn một nửa.
 Ghép thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Nhật Nguyên
Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ

Nhiều BV khác như BV Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Hà Đông, Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Thanh Nhàn… cũng đã mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh. Các BV đã bố trí khu vực ngồi chờ tiện nghi, đầy đủ ghế ngồi, bảo đảm an ninh, trật tự tại Khoa Khám bệnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin đã giúp cho công tác khám, chữa bệnh, thanh toán viện phí và nhận thuốc ở kho được nhanh chóng, tiện cho việc theo dõi bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, hiện 14 BV trong ngành đã thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng đón tiếp, chỉ dẫn, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh, gia đình người bệnh khi đến BV. Đặc biệt, các đơn vị cũng đã cải cách các thủ tục hành chính (từ 9 bước rút xuống còn 4 – 5 bước). Nhờ đó, quy trình khám chữa bệnh được rút ngắn đáng kể, thời gian chờ đợi của người bệnh giảm trung bình khoảng 5 – 9 phút.
Một số BV như: Đa khoa Xanh Pôn, Đức Giang, Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Hoài Đức… đã áp dụng dịch vụ đặt lịch khám bệnh qua điện thoại nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Trong năm 2017, qua đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, có 14 đơn vị đạt mức 1 (trên 90 điểm), có 25 đơn vị đạt mức 2 (từ 80 - 90 điểm) và 2 đơn vị đạt mức 3 (từ 70 - 80 điểm).

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế, những đổi thay trên đây rất cần, nhưng chưa đủ, mà quan trọng là y đức người thầy thuốc. “Dù cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được con người. Người thầy thuốc không chỉ khám bệnh bằng trình độ, năng lực chuyên môn, mà bằng cả tấm lòng, trách nhiệm với người bệnh”. Cũng theo ông Hiền, thực hiện tốt những vấn đề về y đức và y nghiệp, cả bệnh nhân và BV đều có lợi. Bởi bệnh nhân không chỉ cần chữa bệnh bằng thuốc, mà còn cần được chia sẻ, động viên từ người thầy thuốc.

“Đã đến lúc BV phải xác định bệnh nhân là khách hàng, việc phục vụ phải nhiệt tình, chu đáo. Mỗi bác sĩ phải biết cảm ơn người bệnh, bởi người bệnh đã cho mình cơ hội phát triển chuyên môn, gắn bó với nghề” - ông Hiền nhấn mạnh. Đây cũng là chủ trương của ngành y tế cả nước nói chung và y tế Thủ đô nói riêng, nhất là khi các đơn vị đã và đang thực hiện tự chủ BV.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần