Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày 6/1, khánh thành Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 6/1 tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam - tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

KTĐT - Ngày 6/1 tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam - tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi với số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước hiện nay. Sản phẩm của nhà máy gồm khí hóa lỏng LPG, xăng 92/95, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, diezel ôtô, dầu nhiên liệu FO, lưu huỳnh và hạt nhựa Polypropylen (PP).
 
Nhà máy chính gồm 14 phân xưởng công nghệ chế biến dầu, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ, khu bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm, hệ thống ống dẫn dầu thô và sản phẩm. Các hạng mục cảng biển gồm hệ thống tiếp nhận dầu thô ngoài biển cho tàu trọng tải đến 110.000 DWT, cảng xuất sản phẩm cho tàu trọng tải đến 30.000 DWT, đê chắn sóng…
 
Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP gắn liền với NMLD Dung Quất, công suất 150 nghìn tấn sản phẩm/năm với tổng mức đầu tư trên 230 triệuUSD, do Liên danh nhà thầu đứng đầu là Hyundai Engineering (Hàn Quốc) thiết kế và xây dựng.
 
Từ cuối năm 2008, trên 1.000 kỹ sư vận hành và công nhân kỹ thuật Việt Nam được tuyển dụng và đào tạo, trong đó có 510 kỹ sư và công nhân kỹ thuật là người Quảng Ngãi, cùng với các chuyên gia nước ngoài đã thực hiện việc vận hành chạy thử các phân xưởng công nghệ và toàn bộ nhà máy. Ngày 22/2/2009, nhà máy đã sản xuất ra dòng sản phẩm đầu tiên.
 
Với sự trợ giúp của 141 chuyên gia vận hành nước ngoài từ nhà thầu SK (Hàn Quốc) và KBC (Anh) từ tháng 10/2009, sau một năm kỹ sư và công nhân của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã dần thay thế được nhiều vị trí quan trọng. Số chuyên gia nước ngoài nay chỉ còn 81 vị trí và đến cuối năm 2011 sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 40 người.
 
Từ khi nhận bàn giao, nhà máy luôn vận hành ổn định ở 100% công suất. Tính từ thời điểm bắt đầu chạy thử đến hết tháng 12/2010, nhà máy đã tiếp nhận khoảng 8,3 triệu tấn dầu thô, chế biến và cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn sản phẩm các loại đạt chất lượng. Sản phẩm Jet A1 (xăng máy bay) đã được cấp chứng chỉ chất lượng quốc tế và chính thức đưa ra thị trường.
 
Năm 2010, tính từ khi bàn giao, nhà máy đạt doanh thu 60 nghìn tỷ đồng, dự kiến lợi nhuận đạt trên 237 tỷ đồng và nộp ngân sách 10 nghìn tỷ đồng. Năm 2011, nhà máy sẽ phấn đấu đạt mức doanh thu 77 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận 550 tỷ đồng và nộp ngân sách 15 nghìn tỷ đồng.
 
Công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí này cho phép chúng ta chế biến và gia tăng giá trị dầu thô khai thác trong nước, hạn chế nhập siêu và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng.