Cụ thể, theo kết quả quan trắc từ các trạm quan trắc không khí trên địa bàn TP Hà Nội và các trạm của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc ngày 8/12 tại thời điểm 8 giờ, Hà Nội có 2 trạm chất lượng không khí (CLKK) ở ngưỡng rất xấu, 2 trạm ở ngưỡng xấu và 1 trạm ở ngưỡng kém; với chỉ số CLKK (AQI) dao động từ 139 – 232, mức cảnh báo 5/6.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, hiện tại trời nắng, hanh khô, tốc độ gió thấp trung bình là 1,38 m/s và nhiệt độ dao động trong khoảng 17℃ đến 24℃, nhiệt độ có xu hướng tăng lên nhưng tốc độ gió lại giảm hơn dẫn đến nồng độ các chất ô nhiễm không được khuếch tán trong không khí, nhiều trạm tích tụ chất ô nhiễm khiến chỉ số AQI tiếp tục tăng.
Dự báo trong khung giờ cao điểm tiếp theo, khi mật độ giao thông tăng cao, nhiệt độ giảm và tốc độ gió không thay đổi, khả năng cao nồng độ các chất ô nhiễm sẽ tăng khiến chất lượng không khí tiếp tục duy trì ở mức xấu. Tại một số khu vực vẫn còn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát, tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Vào các thời điểm ô nhiễm không khí chạm các ngưỡng xấu, Sở TN&MT khuyến cáo: Vào buổi sáng và chiều tối (thời gian ô nhiễm nhất trong ngày), tất cả mọi người không ra ngoài để tập thể dục, đặc biệt người già và trẻ em; Mang khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn khi đi ra ngoài; Nên lưu thông trên đường bằng các phương tiện công cộng hoặc các phương tiên có che chắn.
Đặc biệt, người dân cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế và Chính phủ khuyến cáo và thường xuyên theo dõi chất lượng không khí tại Cổng thông tin quan trắc môi trường của Thành phố: moitruongthudo.vn.
Để cải thiện CLKK tại Hà Nội, Sở TN&MT đề nghị người dân thực hiện tốt Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND TP về các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chỉ số CLKK trên địa bàn TP Hà Nội nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, cụ thể:
Sử dụng các phương tiện công cộng thay thế phương tiện cá nhân góp phần giảm thiểu lượng phát thải vào môi trường không khí. Đối với các phương tiện chở vật liệu xây dựng cần che chắn theo quy định, tránh rơi vãi, phát sinh bụi ra môi trường.
Các đơn vị duy trì VSMT thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông thường theo quy trình công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo vệ sinh môi trường. Quán triệt toàn thể cán bộ, công nhân viên không được đốt các loại chất thải tại các điểm tập kết, trung chuyển trước khi đưa đến các khu xử lý tập trung theo quy định;
Người dân theo dõi, kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, trong đó có hoạt động đốt chất thải, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng có thẩm quyền xử lý.