Ngày khải hoàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có lẽ hiếm nơi nào trên cả nước có những cuộc ra đi đầy oanh liệt, khi trở về vinh quang hào hùng như những người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội trong lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước vĩ đại của dân tộc giữa thế kỷ XX.

Người dân đón chào  bộ đội về tiếp quản  Thủ đô sáng 10/10/1954.
Người dân đón chào bộ đội về tiếp quản Thủ đô sáng 10/10/1954.
Dưới đây là lược ghi không khí chuẩn bị cho ngày chiến thắng trở về Hà Nội của Đảng, Bác Hồ, Chính phủ và Quân đội cũng như Nhân dân TP Hà Nội (10/10/1954) đã được diễn tả trong cuốn “Lịch sử Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội” (1945 - 2010) của NXB Quân đội Nhân dân.

Sau 9 năm chiến đấu gian khổ, tin chiến thắng từ các mặt trận trên khắp cả nước từ Nam Bộ, Khu Năm đến Bình - Trị - Thiên, Đồng bằng Bắc Bộ và đặc biệt ngày 7/5/1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội thực dân Pháp thất thủ đã làm nức lòng không chỉ đồng bào, chiến sĩ ở những vùng tự do mà cả những vùng đô thị cũng như nông thôn còn bị tạm chiếm, vang vọng nhanh chóng đến Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Nhất là từ ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Chính phủ Pháp phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Còn quân đội Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam nước ta từ vĩ tuyến 17 trở ra. Thế là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của Nhân dân ta chống thực dân Pháp đã giành được thắng lợi.

Ngày 25/7/1954, Ban Chấp hành T.Ư Đảng ra lời kêu gọi nêu rõ cuộc đấu tranh chuyển sang giai đoạn mới: Đấu tranh chính trị, trong đó “việc tiếp quản các thành thị lớn ở miền Bắc là một công việc rất quan trọng và nặng nề. Đặc biệt việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội... có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự nghiệp kháng chiến cứu nước của Nhân dân ta”.

Ngày 6/9/1954, T.Ư Đảng ra nghị quyết thành lập Đảng ủy Tiếp quản Thủ đô, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy Tiếp quản, Đảng ủy Tiếp quản chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn bộ các mặt quân sự, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội và trật tự an ninh trong TP. Đồng chí Vương Thừa Vũ phụ trách về quân sự.

Ngày 17/9/1954 Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính Hà Nội, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

Ngày 17 và 18/9 Hội đồng Chính phủ nghe bác sĩ Trần Duy Hưng thay mặt Ủy ban Quân chính báo cáo Kế hoạch tiếp quản Thủ đô.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, kết hợp với sự chi viện của T.Ư, Đảng ủy Tiếp quản đã mở nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày đào tạo cán bộ cho các ngành trước khi về hoạt động ở Thủ đô, nên đến ngày 20/9 ta đã chuẩn bị xong đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự và chuyên môn kỹ thuật có đủ khả năng điều hành các cơ sở công nghiệp, ngân hàng, tài chính, y tế, giáo dục, giao thông thủy bộ, sân bay, đường sắt… khi địch chuyển giao.

Lực lượng vũ trang tiếp quản gồm Đại đoàn 308, trong đó có Trung đoàn Thủ đô đã từng chiến đấu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” suốt những ngày đầu kháng chiến gian khổ trong lòng Hà Nội (19/2/1946 – 19/2/1947). Một số đơn vị của Đại đoàn 350 và 304 cũng được biên chế trong lực lượng tiếp quản này.

Trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô Bác Hồ đã lại căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “… Tám chín năm nay do quân và dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội, vì thế các chú được T.Ư Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, là vinh dự rất lớn…”. Trong những năm đó: “Các chú đã kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta có thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi trong hòa bình”.

Theo kế hoạch, ngày 2/10/1954, Trưởng đoàn cán bộ Chính phủ Trần Danh Tuyên vào Hà Nội gặp Bộ chỉ huy quân đội Pháp để ký biên bản bàn giao toàn diện. Tiếp theo là đội Hành chính, đội Trật tự tiến vào TP làm công tác chuẩn bị tiếp quản. Tiểu đoàn 18 thuộc Trung đoàn Thủ đô được lệnh vào trước chuẩn bị tiếp nhận một số công sở, xí nghiệp, doanh trại và cùng canh gác với binh lính Pháp. Nhân dân TP phấn khởi trước sự có mặt công khai, đàng hoàng của những đại diện đầu tiên của Chính phủ cách mạng.

Ngày 8/10, tại sân Cột cờ Thành Hoàng Diệu, quân Pháp tổ chức lễ cuốn cờ về nước. Trong khi cơ quan Đảng ủy Tiếp quản cũng chuyển từ Thanh Oai về thị xã Hà Đông để chỉ đạo việc tiếp quản TP.

Ngày 9/10, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra nhật lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản: “Nhiệm vụ tiếp quản rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, do đó phải đoàn kết để giữ gìn trật tự an ninh Thủ đô,… phải tôn trọng giúp đỡ Nhân dân...”. Từ 5 giờ sáng đến 16 giờ hôm đó các đơn vị làm nhiệm vụ tiếp quản đã lần lượt tiến vào các vị trí tiếp nhận bàn giao của đối phương theo kế hoạch. Với sự trợ giúp của các lực lượng tự vệ nên đến cuối ngày ta đã tiếp thu hoàn toàn TP một cách nhanh gọn và trật tự. Ngay trong đêm, lực lượng công binh đã dựng cột thép 12m trên đỉnh Cột Cờ Thành Hoàng Diệu chuẩn bị để nâng cao lá cờ Tổ quốc cho ngày hôm sau làm lễ chào cờ.

Ngày 10/10/1954, cuộc hành quân lịch sử thắng lợi trở về Hà Nội của đại quân ta đã được mở theo 4 hướng chính:

- Hướng Tây Bắc là Trung đoàn Thủ đô, đơn vị từng chiến đấu anh dũng ở Liên khu 1 trong 60 ngày đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến, theo đường 32 qua Kim Mã vào Phan Đình Phùng.

- Hướng Đông Nam là Trung đoàn 88 và 36 theo đường 1A qua Bạch Mai, Chợ Hôm, Hoàn Kiếm tập kết ở Đồn Thủy và khu Đấu Xảo.

- Hướng Tây Nam là Đoàn chỉ huy gồm 100 xe cơ giới theo hướng Vọng, Kim Liên, Cửa Nam, Bờ Hồ và một bộ phận đoàn chỉ huy theo hướng Đại La, ô Cầu Dền, Hàng Bài hội quân ở Bờ Hồ.

- Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, người từng vạch kế hoạch và chỉ huy quân dân Hà Nội chiến đấu oanh liệt mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc 9 năm trường kỳ, nay lại chỉ huy đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô với tư cách là Chủ tịch cùng với bác sĩ Trần Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP… xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã Tư Vọng, sang ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, Phố Huế, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc. Từng dòng người khắp các ngả đường Hà Nội dồn về khu Cột Cờ chờ đón giây phút lịch sử. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui, ai nấy quần áo chỉnh tề cờ hoa rực rỡ xuống đường đón mừng Chính quyền cách mạng và những người con chiến thắng trở về. Tiếng trống, tiếng pháo, tiếng hoan hô vang dạy khắp phố phường. Cửa hàng, cửa hiệu trang hoàng lộng lẫy. Nhà nhà, phố phố chăng đèn kết hoa, dựng cổng chào. Tất cả tràn ngập trong rừng cờ và khẩu hiệu. Đoàn quân đi giữa biển người chào đón hân hoan, tiếng “hoan hô”, “muôn năm” tưởng như không dứt.

Đúng 15 giờ còi Nhà hát lớn TP nổi lên hồi dài. Đoàn quân nhạc cử bài Tiến quân ca. Dứt tiếng nhạc, thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô Hà Nội: “8 năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do Nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi”.

Vậy đó, ngày 10/10/1954 chính là kết tinh thành quả 9 năm kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc, khởi đầu từ Thủ đô và ngày thắng lợi huy hoàng của đất nước cũng tưng bừng từ Thủ đô.        

Ngày 4/11/1954, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội được thành lập thay thế Ủy ban Quân chính Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản.

Sau đó, ngày 15/11/1954 Bác lại có thư khen ngợi lực lượng vũ trang Thủ đô: “Trước ngày các chú vâng lệnh về Thủ đô… Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ như lời Bác dặn… Bác vui lòng khen ngợi các chú…”.

Để thấy rõ việc tiếp thu toàn bộ TP Hà Nội gọn gàng và trật tự. Mọi sinh hoạt được phục hồi, ổn định và khởi sắc ngay từ những ngày đầu. Tất cả các cơ quan, xí nghiệp và tài sản công cộng đều được bảo vệ. Công việc trong các công sở không bị đình trệ mà còn chạy đều và tốt hơn trước. Các xí nghiệp công ích như điện, nước, bưu điện, giao thông vận tải… đều tiếp tục phục vụ bình thường. Kinh tế ổn định. Lòng người hồ hởi tin tưởng xóa tan mọi hồ nghi do chế độ cũ tuyên truyền xuyên tạc. Chỉ cần nhìn vài thống kê về sự quan tâm của Bác Hồ đối với Thủ đô. Theo đó, T.Ư Đảng, Chính phủ, Quân đội, Thành ủy có chính sách và những chủ trương sát hợp mà ta tiếp nhận và quản lý một thành phố sớm ổn định về mọi mặt là thành tựu lớn, làm tiền đề cho những thành công sau này.

Ngày 10/10 xứng đáng là ngày KHẢI HOÀN không chỉ của Nhân dân Thủ đô mà của Nhân dân cả nước. Một khải hoàn ca và một khải hoàn môn là điều nên nghĩ tới cho Thủ đô Hà Nội. Ngày khải hoàn tôn vinh mọi đóng góp sức người, sức của, tính mạng, tài sản, đức hi sinh của những người đã góp phần làm nên chiến thắng dù đang còn sống hoặc đã ngã xuống của mọi tổ chức, mọi dân tộc, tạo nên sự thiêng liêng với niềm tự hào mà mọi người đều thấy có phần của mình ở đó.

Vì thế, Hà Nội có ngày thắng lợi trở về, có Khải hoàn môn, chắc chắn đồng bào cả nước khi về với Thủ đô được nghe khúc ca khải hoàn thấy tràn ngập niềm tự hào, bởi sự hi sinh của bao thế hệ mãi mãi không bị lãng quên, bởi vinh quang của dân tộc có làng xóm, quê hương và người thân của mình trong đó.