Xử phạt chưa quyết liệt
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm. Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.
Thời gian qua, nước ta đã đạt được nhiều kết quả trong PCTHTL. Kết quả nghiên cứu “Tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật PCTHTL” của 34 tỉnh, TP năm 2020 cho thấy, tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá là 42,3%. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019 - 2020, nước ta đã ghi nhận gần 1.000 trường hợp cai nghiện thành công trên 1 năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có trên 15 triệu người trưởng thành hút thuốc lá. Nhiều người chịu tác động thụ động từ thuốc lá gây ra.
Đặc biệt, nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc giá thuốc lá còn rẻ, dễ mua, chế tài xử phạt nhẹ, lực lượng thanh tra, xử phạt mỏng... Trong giai đoạn 2019 - 2020, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 1.927 đơn vị, cơ sở, xử phạt 376 trường hợp, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 563,9 triệu đồng.Liên quan đến vấn đề này, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Bùi Thị Minh Thái cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2020, CDC Hà Nội cũng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 5 đợt thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật PCTHTL tại các bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng của Hà Nội; gần 150 đợt kiểm tra, giám sát và hỗ trợ công tác thực hiện Luật PCTHTL tại các cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc của các đơn vị. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, người lao động. Tuy vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai các hoạt động liên quan đến PCTHTL cũng như công tác thanh tra, xử phạt vi phạm Luật PCTHTL vẫn chưa được thực hiện quyết liệt, hiệu quả.“Để việc thực hiện Luật PCTHTL đạt kết quả tốt, Chính phủ cần có chính sách nhằm làm giảm sản xuất, lưu thông với thuốc lá, tăng giá thuốc lá. Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm việc thực hiện Luật PCTHTL tại cơ quan, địa điểm công cộng và những nơi quy định không được hút thuốc lá” - bà Thái nhấn mạnh.Tăng cường kiểm tra, xử phạtVụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho rằng, hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung làm tốt việc thực thi các quy định sẵn có của Luật PCTHTL. Đặc biệt, Bộ Y tế cố gắng tạo ra không gian, môi trường không khói thuốc, chú trọng đến môi trường trong nhà trường, các hệ thống giáo dục công dân. Với các cơ sở công cộng, Bộ Y tế yêu cầu thắt chặt, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Các cơ sở phải thúc đẩy việc kiểm tra khoảng cách từ trường học đến nơi bán thuốc lá.Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy đề xuất chỉnh sửa Nghị định số 117/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó, mở rộng phạm vi các cơ sở công cộng. Bộ Y tế sẽ nghiên cứu tăng diện tích và cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh. Đây là giải pháp tác động truyền thông hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chú trọng, mở rộng các điểm tư vấn cai nghiện thuốc lá ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ cho những người muốn cai nghiện thuốc lá. Về lâu dài, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thuốc lá, đồng thời giúp tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.“Với công tác PCTHTL, quan điểm chính của chúng tôi vẫn là thuyết phục, giáo dục, đặc biệt tại các trường học, cơ sở giáo dục công dân, cơ quan, công sở. Song song với đó, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng vẫn phải tăng cường kiểm tra, giám sát, vào cuộc một cách quyết liệt, nghiêm túc, công khai các trường hợp vi phạm, hình thức xử phạt, từ đó mới tạo ra mức độ răn đe, làm giảm thiểu người hút thuốc lá” - ông Quang nêu rõ.