Rưng rưng trên “Con đường thi nhân”
Với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”, các hoạt động trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 tập trung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần sáng tạo, đoàn kết, hòa hợp dân tộc, chung tay xây dựng đất nước giàu đẹp. Điểm mới đáng chú ý nhất là sự xuất hiện lần đầu của “Con đường thi nhân” thu hút công chúng ngay từ cổng chính Văn Miếu – Quốc Tử Giám tới Khuê Văn Các. Chân dung hàng trăm tác giả thuộc nhiều thế hệ nhà thơ kèm sáng tác nổi tiếng nhất của họ trên những chiếc khung uốn kiểu mái vòm khiến người xem có cảm giác như đang đi dưới bầu trời thi ca của đất nước. Từ người già, đến trẻ nhỏ đều chăm chú ngắm nhìn từng khuôn hình với tâm thế tự hào.
Không chỉ vậy, công chúng đến với hội thơ năm nay còn bất ngờ khi Ban tổ chức “xóa sổ” “Sân thơ trẻ” - nơi các tác giả luôn tạo được dấu ấn với sự phá cách trong cả nội dung và cách trình diễn. Đổi lại, người yêu thơ lại được nghẹn ngào khi lắng nghe những vần thơ cách mạng “giao thoa” giữa các nhà thơ trẻ và những cây bút gạo cội. Khi những vần thơ trong bài "Nguyên Tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh do nghệ sĩ Văn Chương và NSND Vương Hà trình bày; hay tình thương của người chiến sĩ Việt Nam đối với em bé Campuchia của nhà thơ Anh Ngọc; và cả những chia sẻ rất thật tâm từ nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh, đọc rồi không thể quên được. Làm thế nào để làm thơ hay thì trước hết các nhà thơ phải gương mẫu làm thế nào để nó không dở, nếu đã thấy thơ dở rồi thì kiên quyết không in”… khiến bất cứ ai đều phải rưng rưng.Thất vọng vì sự cẩu thảKhông thể phủ nhận, mỗi năm Ngày thơ Việt Nam đều được tổ chức với một chủ đề khác nhau cùng ý nghĩa riêng, mang đến cho công chúng những cung bậc cảm xúc khác biệt. Đến nay, Ngày thơ Việt Nam dần hoàn thiện hơn theo hướng đa dạng hóa về nội dung, lễ hội hóa về phương thức tổ chức, thu hút đông đảo hàng triệu nhà thơ và công chúng yêu thơ trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, sự cẩu thả trong nhiều bức hình, chú thích ảnh đã khiến nhiều người thất vọng. Đơn cử như tấm pano dẫn 2 câu thơ của Hàn Mạc Tử, nhưng bị “dùng nhầm” chân dung nhà thơ Yến Lan. Dù ngay trong ngày, Ban tổ chức đã thay tấm pano, nhưng câu “trần tình” của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh với báo giới: Đây là "việc nhầm lẫn" và do phải làm vào ban đêm nên "có sự vội vàng" không đủ sức thuyết phục. Bên cạnh đó, triển lãm ảnh “60 năm Hội Nhà văn Việt Nam đồng hành, sáng tạo cùng đất nước” có nhiều chi tiết thể hiện sự cẩu thả. Đơn cử, Nguyễn Xuân Sanh thì bị viết thành họ Nguyền; "Đại đội trưởng của tôi" viết sai thành "Đại đội trường của tôi". Còn những bức ảnh chú thích sai thì nhiều vô số. Trong tấm “Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II năm 1957. Nhà văn Nguyễn Đình Thi ngồi bên phải Bác Hồ”, thực tế, nhà thơ Nguyễn Đình Thi ngồi bên trái Bác Hồ. Có 2 bức ảnh đều chú thích là tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ I nhưng năm khác nhau, đó là: "Các nhà văn Võ Huy Tâm, Trung Nguyên, Nguyễn Đình Thi tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ I tháng 4 – 1959" và "Các học viên dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ I tại lăng Hoàng Cao Khải, ấp Thái Hà, Hà Nội năm 1962". Bức “Bác Hồ và cố vấn Vĩnh Thụy (đứng thứ 3 từ trái sang) đến khai mạc triển lãm bí mật và công khai do Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức năm 1945” không có ông Vĩnh Thụy. Cụ Hồ Tùng Mậu hy sinh năm 1951, nhưng trong bức “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Việt Bắc năm 1953” vẫn chú thích tên cụ…Mặt khác, Ngày thơ năm nay vẫn bộc lộ sự nhàm chán và cũ mòn trong chính thơ ca, cũng như trong phần trình diễn của các tác giả khiến nhiều người có phần hụt hẫng.