70 năm giải phóng Thủ đô

Ngày thứ 2 phiên chất vấn các thành viên Chính phủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trả lời chất vấn về tình trạng chung của hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành Quốc lộ 1A; giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ; trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng trả lời về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải.
Ngày thứ 2 phiên chất vấn các thành viên Chính phủ - Ảnh 1
 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Trả lời về giải quyết giá cước vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ thực hiện tái cơ cấu ngành, trong đó có tái cơ cấu vận tải để tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tạo điều kiện điều chỉnh giá cước và phát huy lợi thế Việt Nam có đường biển dài, giảm tải đường bộ. Yếu tố quan trong để tái cơ cấu thành công là nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo lại con người trong từng lĩnh vực. Qua thực hiện, tỷ trọng vận tải đường bộ bắt đầu giảm, tỷ trọng đường hàng hải, thủy nội địa tăng lên, đường sắt tăng thị phần, cước đường sắt giảm, đặc biệt giá cước đường sắt từ đầu năm không tăng dù xăng dầu có thời điểm tăng.

Về hàng không, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực mà tư nhân làm được, cổ phần hóa DN. So sánh chung, với giá cước vận tải VN hiện nay, cước hàng không thấp hơn so với Thái Lan. Cước vận tải VN sẽ đáp ứng được yêu cầu, góp phần giảm chi phí của DN, nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả nền kinh tế.

Về thực trạng giao thông nông thôn, xây dựng cầu treo, theo Bộ trưởng Thăng cho rằng thời gian qua, bộ mặt giao thông nông thôn thay đổi tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Có được như vậy, có vai trò quan trọng của người dân góp tiền và đẩy mạnh giải phóng mặt bằng.

Với tiến độ xây dựng cầu treo, hiện này vùng sâu, xa việc đi lại của người dân rất khó khăn, bộ trưởng nhấn mạnh: Chúng tôi rất chia sẻ với tình hình này, Bộ đã đề xuất và Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án phát triển xây dựng cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh cả nước, tất cả đều được khảo sát, rà soát để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể. Hiện Chính phủ cho phép đầu tư trước 186 cây cầu. Dự kiến, đến 30/6/2015 sẽ hoàn thành. Về vốn, đường tỉnh lộ, xã, cầu dân sinh trách nhiệm thuộc địa phượng nhưng các địa phương trên hầu hết là nghèo, Bộ làm việc các nhà tài trợ để kêu gọi, huy động của các tổ chức DN, nhà hảo tâm và địa phương chắt chiu đóng góp.

Về công tác phòng chống tham nhũng của Bộ GTVT, đây là vấn đề lớn không chỉ trong ngành GTVT. Vì vậy, cùng với chương trình tổng thể, Bộ đưa ra các giải pháp đột phá chống tham nhũng: xác định trách nhiệm với người đứng đầu liên quan đến đầu tư, kể cả từ bộ trưởng, thứ trưởng, người đứng đầu doanh nghiệp; thực hiện công khai minh bạch, từ cán bộ, đấu thầu, chọn nhà đầu tư, nhà thầu...; thực hiện phân loại, xếp loại các chủ thể tham gia đầu tư; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó quan trọng nhất là công tác cán bộ.

Về công trình giao thông đội vốn, nguyên nhân chủ quan có, khách quan có như thực hiện không đúng quy hoạch, thiết kế, GPMB chậm. Trong 3 năm trở lại đây, tất cả công trình giao thông không có công trình nào đội vốn, chỉ giảm hơn.

Về xe né trạm, có tình trạng này, Bộ phối hợp Bộ Công an tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu địa phương nào người đứng đầu thực sự vào cuộc, không còn chỗ cho xe quá tải...

Sáng mai (19/11), Bộ trưởng Bộ GTVT tiếp tục trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Trước giờ nghỉ 4 đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề: Thời gian tới, cơ cấu khối lượng vận tải theo 5 loại hình như thế nào? Hiệu quả cước phí từng loại đường? Bộ GTVT tiết kiệm được hơn 30.000 tỷ đồng, dư luận đặt ra là có liên quan đến an toàn giao thông, có phải do dự toán sai, dự toán phí tiêu cực, thái độ của Bộ GTVT, tiết kiệm nhờ cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất nhưng phải đảm bảo tăng chất lượng công trình, Bộ trưởng nói rõ thông tin này để giải tỏa dư luận? Đề nghị Bộ làm rõ hơn về chi phí bình quân làm 1km đường; việc tách GPMB để làm 1 con đường trong điều kiện bình thường hết bao nhiều kinh phí? 

Trong sáng nay và đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã làm rõ các vấn đề về thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ; các giải pháp thực hiện Đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan Trung ương, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương. Kết quả tổng kết, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức…

Trả lời các đại biểu về lạm phát cấp phó kéo dài làm bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí; quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, quy định số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được thể hiện qua các văn bản. Về thứ trưởng, có quy định cơ động, 1 bộ cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng. Nếu cơ quan ngang bộ muốn tăng thứ trưởng thì cơ quan đó có đề án báo cáo lên cấp trên. Bộ Nội vụ đã nhiều lần đề nghị nên có quy định cứng về số thứ trưởng để không có sự bàn cãi.
Ngày thứ 2 phiên chất vấn các thành viên Chính phủ - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Còn các chức danh cấp phó đều có quy định cứng nhưng trong thực tế lại không theo quy định đó. Cụ thể, cấp bộ quy định có 4 thứ trưởng (quy định mềm) nhưng bình quân là 5,4; tổng cục quy định 3 phó nhưng thực tế 3,69; cấp vụ quy định là 3, bình quân là 3,04; cấp sở là 3, bình quân là 3,06. Bộ trưởng thừa nhận bổ nhiệm quá nhiều cấp phó sẽ gây lãng phí ngân sách. Nguyên nhân do sức ép của công việc, nền hành chính họp hành nhiều; đặc thù một số ngành cần cán bộ thực hiện chức năng được giao, chưa kể một số ngành đòi hỏi nhiều cấp phó do công việc quá nặng nền đòi hỏi lãnh đạo trực tiếp thực hiện.

Về đánh giá xếp loại cán bộ công chức viên chức không chính xác. Liệu năm 2014 có hoàn thành rà soát đánh giá công chức viên chức, Bộ trưởng cho hay, thường đến cuối năm mới có con số tổng kết. Có quy định rất cụ thể về đánh giá, xếp loại công chức, viên chức.

Năm 2013, kết quả đánh giá cán bộ công chức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 34,33%, hoàn thành tốt nhiệm vụ: 58,08%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 4,94%, không hoàn thành nhiệm vụ: 0,46%. Về kết quả đánh giá viên chức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 34,49%, hoàn thành tốt nhiệm vụ: 50,14%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 8,06%, không hoàn thành nhiệm vụ: 0,24%”.

Nguyên nhân là do chất lượng công chức, viên chức trong từng đơn vị chưa đồng đều; việc phân công công việc chưa cụ thể, rõ ràng; các cơ quan sử dụng chưa thường xuyên giám sát việc thực thi nhiệm vụ của công chức; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức chưa cao, nể nang, sợ đụng chạm; người tự đánh giá không trung thực, có tâm lý không thừa nhận bản thân yếu kém.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, phương hướng để nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức là người đứng đầu làm gương để cán bộ noi theo; việc đánh giá phải có sự điều hành của chính quyền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức viên chức lãnh đạo quản lý; các bộ ngành khẩn trương xác định vị trí việc làm để định ra biên chế phù hợp; các cơ quan, tổ chức đơn vị sử dụng công chức viên chức phải phân công công việc cụ thể, rõ ràng; xây dựng quy chế, tổ chức theo dõi kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của từng công chức viên chức; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người tự đánh giá; tăng cường công tác thanh, kiểm tra giám sát, quy định khen thưởng...

Kết luận phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các ĐB đặt câu hỏi ngắn, rõ, đi thẳng vào vấn đề. Bộ trưởng Nội vụ nắm chắc nghị quyết, nghị định, thông tư, các quy định, quy chế và cả nội quy nên trả lời khá kỹ tất cả các câu hỏi của ĐB. Ý kiến lần này của Bộ trưởng thẳng thắn, bày tỏ quyết tâm để cơ cấu, tổ chức lại, hoàn thiện thêm bộ máy cán bộ công vụ nhà nước...

Tuy nhiên, Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Nội vụ đi thẳng vào yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, rèn luyện cả về đức và tài, tận tụy phục vụ nhân dân, nên phải quan tâm đặc biệt đến đánh giá kiểm tra công chức cán bộ. ĐB cảm thấy chưa ổn khi nghe Bộ trưởng nói về con số những vấn đề này. Vì vậy, phải tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá và đổi mới cơ chế đánh giá chính xác.

Chủ tịch QH cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, loại bỏ các thủ tục rườm rà tạo điều kiện cho tiêu cực. Công tác này thực hiện nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Việc thanh, kiểm tra trong công tác cán bộ công chức, công vụ của các bộ, ngành đều phải tăng cường; cùng với đó là đấu tranh chống tiêu cực. Đề nghị Bộ trưởng trên cơ sở tinh giản biên chế, cố gắng tăng lương.

Trước đó, đầu giờ sáng, trước khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trưởng ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, giải đáp thắc mắc tình trạng buôn lậu có đẩy lùi được không mà ĐB chất vấn chiều qua.

Theo Phó Thủ tướng muốn chống buôn lậu tốt phải dựa vào dân, nâng cao ý thức người dân, người dân thượng tôn pháp luật, vận động người dân không tiêu thụ, bao che, tiếp tay buôn lậu. Tiếp đến là củng cố lực lượng chủ công chống buôn lậu là hải quan, công an, cảnh sát biển, ngành thuế..., trang bị phương tiện tốt cho lực lượng này; đồng thời phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có chủ trương bao che; có thái độ kiên quyết, xử lý nghiêm minh, đánh mạnh, trúng đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả. Cùng với đó là doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng tốt, chất lượng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chống buôn lậu; có thể chế cần thiết để phục vụ cho công tác này...

Trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo giải trình thêm về quản lý giá, biện pháp bình ổn. Theo người đứng đầu ngành Tài chính, thời gian tới tiếp tục thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của NN về điện, nước sạch, than...

Về xăng dầu, trước 1/11/2014, Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương điều hành giá mặt hàng này, 10 tháng qua điều hành tăng-giảm 25 lần. Sau 11/2104 Bộ Công thương chính thức điều hàng giá xăng dầu.

Về giá sữa, công bố giá tối đa của 25 mặt hàng sữa, tiếp đến Bộ đề nghị UBND các tỉnh, phố phối hợp công tác này. Bộ trưởng cho rằng, việc huy động hệ thống chính trị vào cuộc mới đạt kết quả. Thời gian tới, các mặt hàng đang quản lý tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng phải điều hành linh hoạt hơn.

Liên quan đến công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng công nghiệp phụ trợ rất quan trọng, có ngành này phát triển dù thu hút đầu tư nước ngoài nhiều cũng không phát triển. Đây là lĩnh vực rất khó vì khái niệm thế nào là phụ trợ vẫn còn tranh luận. Theo ông, phát triển công nghiệp phụ trợ là phát triển khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DN tư nhân) nếu chính sách không đề cập mảng này sẽ là sai lầm. Vì vậy, VN cần có lực lượng DN vừa và nhỏ mạnh. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; phát triển thị trường; giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp này cạnh tranh...

Trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã trả lời chất vấn về phân bón giả; về công nghiệp hỗ trợ; về hệ thống bán lẻ... Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, tình trạng buôn lậu đường diễn ra, các cơ quan chức năng nỗ lực phối hợp chống buôn lậu, thời gian tới sẽ triển khai mạnh mẽ hơn. Về phân hạn ngạch nhập khẩu đường 2014, chúng ta đã thỏa thuận được với tổ chức thương mại thế giới về với đường ăn, muối ăn, trứng gia cầm các loại sẽ áp dụng hạn ngạch mỗi năm chỉ nhập hạn ngạch nhất định với các loại hàng hóa này, nếu nằm trong hạn ngạch sẽ được ưu đãi.
Ngày thứ 2 phiên chất vấn các thành viên Chính phủ - Ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
Trước đó, chiều qua (17/11) trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận mặc dù các lực lượng chức năng đã hết sức cố gắng nhưng kết quả công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả vẫn chưa được ngăn chặn hiêu quả.

Cá nhân Bộ trưởng nhận trách nhiệm về hạn chế này, đồng thời cho rằng, do dung lượng thị trường của ta phát triển ngày càng mạnh, độ mở rất lớn, giao thương hàng hóa ngày càng tăng, một số phần tử làm ăn không chính đáng trong nước móc nối với nước ngoài lợi dụng sự sơ hở của lực lượng chức năng để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trong thị trường nội địa.

Đối với những bất cập trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận thời gian qua, công nghiệp phụ trợ có nhiều vấn đề. Tuy cơ chế chính sách đã có nhưng chưa đầy đủ và vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nên chưa tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển.

Để công nghiệp phụ trợ phát triển, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Giải pháp đầu tiên là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bên cạnh đó là đề xuất Quốc hội thông qua luật về về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ.