Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày Tránh thai thế giới 26/9: Chủ động sinh con, tránh tai biến sản khoa, nâng cao chất lượng cuộc sống

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, thách thức trong công tác dân số thời gian tới là rất lớn, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nước ta vẫn tiếp tục gia tăng.

Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, việc nâng cao nhận thức và kiến thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) lại càng quan trọng. Vì vậy, giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản linh hoạt, hiệu quả
Thời gian qua, quận Thanh Xuân đã duy trì sinh hoạt 11 câu lạc bộ (CLB) chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và nhiều CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Qua việc xây dựng các mô hình, CLB đó đã tạo được sân chơi, là nơi sinh hoạt phù hợp cho mọi lứa tuổi, giúp hội viên phụ nữ quận Thanh Xuân nâng cao sức khỏe, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc. Tại mỗi buổi sinh hoạt tư vấn, khám sức khỏe định kỳ, chị em phụ nữ phường Khương Mai được các y bác sĩ hướng dẫn về cách phòng tránh dịch bệnh Covid-19, tư vấn, khám SKSS và các biện pháp tránh thai (BPTT) an toàn. Đây chỉ là 1 trong 11 CLB được Hội LHPN quận Thanh Xuân chỉ đạo thành lập nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt của chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) Mai Nguyệt Hà cho biết, thời gian qua, Hội LHPN phường phối hợp với bộ phận DS-KHHGĐ tổ chức các buổi truyền thông, chăm sóc SKSS, KHHGĐ đến cán bộ hội viên phụ nữ. Khi tham gia buổi truyền thông, chị em phụ nữ đều đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, Hội phụ nữ cùng Trung tâm y tế quận, trạm y tế phường tổ chức khám, tư vấn SKSS, trực tiếp hướng dẫn cho hội viên phụ nữ cách chăm sóc SKSS của bản thân và các thành viên trong gia đình.
 Hội LHPN quận Thanh Xuân duy trì hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ thông qua các kênh truyền thông, các CLB nhóm nhỏ để thông tin kịp thời đến hội viên phụ nữ.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19, Hội LHPN quận Thanh Xuân vẫn duy trì hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ thông qua các kênh truyền thông, các CLB nhóm nhỏ để thông tin kịp thời đến hội viên phụ nữ. Sự linh hoạt trong hoạt động của các CLB đã mang lại điều kiện sống tốt nhất cho các gia đình hội viên trong điều kiện dịch bệnh hiện nay” – Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân Đinh Thị Bích Hạnh chia sẻ.
Đề cập tới công tác DS-KHHGĐ của Hà Nội thời gian qua, TS Tạ Quang Huy - Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho hay, 8 tháng năm 2021, tổng số sinh toàn TP là 59.715 trẻ, giảm 7.787 trẻ so với cùng kỳ năm 2020, 28/30 đơn vị có số sinh giảm, 2/30 đơn vị có số sinh tăng, đó là huyện Phúc Thọ (tăng 124 trẻ), quận Nam Từ Liêm (tăng 81 trẻ).
Số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên 8 tháng là 4.667 trẻ, giảm 518 trẻ so với cùng kỳ năm 2020, 1/30 đơn vị không có số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên, 24/30 đơn vị có số trẻ là con thứ 3 trở lên giảm. 5/30 đơn vị có số trẻ là con thứ 3 trở lên tăng, đó là Phúc Thọ (tăng 38 trẻ), Hà Đông (tăng 19 trẻ), Nam Từ Liêm (tăng 17 trẻ), Thanh Trì (tăng 15 trẻ), Thạch Thất (tăng 12 trẻ), Mỹ Đức (tăng 10 trẻ); Hà Đông (tăng 8 trẻ)... Tỷ số giới tính khi sinh là 110,1 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm đạt 113 trẻ trai/100 trẻ gái hoàn thành chỉ tiêu năm. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh 8 tháng đạt 83,41, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 80,91%.

Ngày tránh thai Thế giới năm nay với chủ đề “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn” nhằm khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Đặc biệt, trong 8 tháng năm 2021 đã có 398.122 người mới áp dụng BPTT, theo kế hoạch là 373.010 người, đạt 106,7%. Trong đó, 93.305 người uống thuốc tránh thai đạt 108 %; 266.061 người dùng BPTT bằng bao cao su đạt 110,1%; 36.922 người dùng BPTT bằng dụng cụ tử cung đạt 84,8%; 1.577 người tiêm thuốc tránh thai đạt 144,7%; 257 người  dùng thuốc cấy tránh thai đạt 107,1%” - TS Tạ Quang Huy thông tin.
Thực tế, tình trạng mang thai ngoài ý muốn không chỉ ở các bạn trẻ chưa lập gia đình mà còn xảy ra rất nhiều ở những cặp vợ chồng không có kế hoạch tốt. Việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của người phụ nữ. Vì vậy, phụ nữ có BPTT an toàn để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, chủ động trong việc sinh con, để nuôi con khỏe, dạy con ngoan và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 250.000 - 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Tỷ số phá thai đã giảm nhưng vẫn còn cao. Nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn được biết là do không áp dụng BPTT là 55,6%. Do thất bại của các BPTT là 39,5% (sử dụng không đúng cách, sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả). Do nhu cầu không được đáp ứng - có nhu cầu KHHGĐ nhưng không được cung cấp BPTT, không tiếp cận được dịch vụ.
Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống
Hiện nay, dân số Việt Nam có khoảng 96 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,14%/năm giai đoạn từ 2009-2019. Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.
Tuy nhiên, thách thức trong công tác dân số thời gian tới là rất lớn. Trong những năm tới số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nước ta vẫn tiếp tục gia tăng và đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Do vậy nhu cầu các BPTT, nhu cầu KHHGĐ vẫn gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt vị thành niên/thanh niên cần được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến SKSS, sức khỏe tình dục do thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên/thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ còn một số hạn chế.
 Tại mỗi buổi sinh hoạt tư vấn, khám sức khỏe định kỳ, chị em phụ nữ quận Thanh Xuân được các y bác sĩ hướng dẫn về cách phòng tránh dịch bệnh Covid-19, tư vấn, khám sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai an toàn. 
Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ (chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra), tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi.
Theo TS Phạm Vũ Hoàng, thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai. Đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.
“Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó công tác chăm sóc SKSS, KHHGĐ của người dân đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Ngay lập tức, ngành y tế, dân số đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp góp phần khắc phục các khó khăn nảy sinh như huy động các cơ sở y tế công lập và tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, các BPTT. Chuyển đổi các hình thức truyền thông trực tiếp sang sử dụng các kênh truyền thông kỹ thuật số để đảm bảo đưa công tác chăm sóc KHHGĐ đến với người dân một cách liền mạch và hiệu quả” - TS Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn, cứ mỗi 8 phút lại có 1 ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Theo đó, hàng năm có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó có 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai; 20 - 22 triệu ca phá thai không an toàn; có tới 47.000 ca tử vong mẹ là do phá thai không an toàn (chiếm 13%).
Mỗi năm thế giới có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do các biến chứng của phẫu thuật không an toàn, và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ phá thai giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển (29/1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ so với 24/1.000). Tuy nhiên phẫu thuật không an toàn lại chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển. Có tới 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25... Tính tới thời điểm năm 2015, có khoảng 12,7 triệu trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi từ 15 - 19 sinh sống tại các nước đang phát triển có nhu cầu về KHHGĐ chưa được đáp ứng. Ở các quốc gia đang phát triển, ước tính hàng năm có khoảng 14,5 triệu trẻ em gái trong cùng lứa tuổi này đã sinh con.