Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày Vàng mua sắm

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện Black Friday là “Ngày Vàng mua sắm” của người dân tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam thì Black Friday bắt đầu được tổ chức từ năm 2013. Đối với DN, Black Friday là cơ hội xả hàng, còn với người tiêu dùng là cơ hội để có thể mua sắm nhiều mặt hàng yêu thích với mức giá khuyến mại, giảm giá lên đến 70 - 80%. Nhiều thương hiệu trong đó có cả những thương hiệu lớn như Samsung, Oppo, Canon, Anker, Philips, Hitachi, Lock&Lock, Kangaroo... đều góp mặt trong dịp này.

 Ảnh minh họa
Những năm gần đây, với việc bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đã vào cuộc trong ngày Black Friday thông qua các chương trình giảm giá, mang đến cơ hội mua hàng chất lượng, giá phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng lớn nhất trong năm khiến nhiều người không thể bỏ qua. Một ví dụ minh chứng để thấy rõ mức độ ảnh hưởng của ngày này là tại AEON Việt Nam, trong 3 năm qua, số lượng khách đến đây vào dịp Black Friday đã liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016 tăng hơn 140% so với năm 2015; năm 2017 tăng 150%, năm 2018 cũng tăng 150%.
Tuy nhiên, sau vài mùa, bên cạnh những mặt tích cực, ngày Black Friday đã xuất hiện nhiều vụ việc quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xâm phạm như: Cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, quảng cáo gian dối thậm chí là lừa đảo người tiêu dùng…Thực tế, việc giảm giá lên đến 50%, thậm chí 70 - 80% đã bị không ít DN lợi dụng theo kiểu “nâng lên" rồi đến ngày Black Friday lại "hạ xuống” làm mất đi ý nghĩa của ngày giảm giá lớn nhất trong năm này do không có ai kiểm soát giá của các chương trình khuyến mại. Thực tế cho thấy mặc dù DN Việt Nam liên tục tổ chức các chương trình khuyến mại nhưng cách làm chưa bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp nên chưa tạo niềm tin cho khách hàng trong các chương trình khuyến mại. Thậm chí việc DN liên tục tổ chức các chương trình khuyến mại còn tạo ra lối suy nghĩ “chưa đúng, chưa trung thực, chưa thẳng thắn” từ chính khách mua hàng.
Sự kiện Black Friday tạo cơ hội cho DN tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng mua được hàng giá rẻ nhưng để thu hút được người tiêu dùng thì điều quan trọng nhất mà DN phải chú ý đó là không tổ chức chương trình khuyến mại theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Bởi ngoài có hiệu suất thấp về doanh thu (khi phần lớn khách đến xem nhiều mà mua ít), những đơn vị đó còn đánh mất "chữ tín" - yếu tố quan trọng hàng đầu trong kinh doanh. Thay vì thế, thông tin đưa ra nên càng chi tiết càng tốt để khách hàng thực sự quan tâm đến sản phẩm của DN. Cùng với đó, ngành công thương cần tăng cường quản lý hoạt động kiểm soát các chương trình khuyến mại theo các quy định tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Đối với khách hàng, cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mại; yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc nội dung cam kết; thông báo kịp thời với cơ quan chức năng khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo khuyến mại; yêu cầu giải quyết, bồi thường thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị vi phạm... Những điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của những DN chân chính, của chính mỗi khách hàng mà còn làm nên ý nghĩa thực sự của ngày vàng khuyến mại, kích cầu tiêu dùng lớn trong năm.