Ngày xung đột thứ 100: Nga kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước vào ngày thứ 100 của chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào hôm nay (3/6), Nga đang siết chặt vòng vây cho mục tiêu giành quyền kiểm soát khu vực Donbass, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xin thêm vũ khí từ phương Tây để giúp Kiev giành lại ưu thế.

Một xe tăng bọc thép của lực lượng do Nga hậu thuẫn di chuyển tại thị trấn Popasna, thuộc Vùng Luhansk, Ukraine, ngày 2/6. Ảnh: REUTERS
Một xe tăng bọc thép của lực lượng do Nga hậu thuẫn di chuyển tại thị trấn Popasna, thuộc Vùng Luhansk, Ukraine, ngày 2/6. Ảnh: REUTERS

Phát biểu trước Quốc hội Luxembourg qua một video liên kết hôm 2/6, ông Zelensky nói rằng các lực lượng Nga hiện đã chiếm khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine, với chiến tuyến kéo dài hơn 1.000 km.

Trong báo cáo hàng ngày mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng Nga, được hỗ trợ bởi pháo hạng nặng, đã tiến hành kiểm soát hầu hết thành phố công nghiệp phía Đông Sievierodonetsk sau nhiều ngày giao tranh ác liệt.

Bộ tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine thì cho biết, ngoài cuộc tấn công vào thành phố, quân đội Nga cũng đang tấn công các khu vực khác ở phía Đông và Đông Bắc.

Việc kiểm soát Sievierodonetsk và Lysychansk sẽ cho phép Nga kiểm soát toàn bộ Luhansk - một trong hai tỉnh cùng với Donetsk ở Donbass mà Moscow đã công nhận độc lập.

Các lực lượng của Nga cũng đang cố gắng tiến về phía Nam Ukraine, tới các thành phố Kramatorsk và Sloviansk ở tỉnh Donetsk - thông tin được thông báo bởi tỉnh trưởng Pavlo Kyrylenko.

Về phần mình, Nga cảnh báo Mỹ đang "đổ thêm dầu vào lửa" với gói hỗ trợ vũ khí mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa tiên tiến có tầm bắn lên tới 80km.

Tuy nhiên, phát biểu riêng tại một diễn đàn ở Slovakia, ông Zelensky khẳng định nhiều nguồn cung vũ khí hơn sẽ "đảm bảo một bước ngoặt trong cuộc đối đầu này," với lợi thế nghiêng về Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng, việc mở rộng phạm vi tiếp cận của pháo binh Ukraine sẽ thúc đẩy Moscow đàm phán chấm dứt cuộc chiến đã và đang khiến hàng nghìn người thiệt mạng, nhiều thành phố và thị trấn bị san phẳng, và hơn 6 triệu người buộc phải rời bỏ đất nước.

Chính quyền Washington cũng được cho đã thống nhất với Ukraine về việc sẽ không sử dụng các hệ thống tên lửa để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.

Với việc Nga đang kiểm soát một số cảng biển lớn nhất của Ukraine và các tuyến vận tải biển quan trọng trên Biển Đen, một số hoạt động xuất khẩu nông sản quan trọng của Ukraine đang bị ngưng trệ, góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nga và Ukraine cùng chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu, trong khi Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt và Ukraine là nhà cung cấp chính về mặt hàng ngô và dầu hướng dương.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/6 cho biết, các tàu chở ngũ cốc có thể rời các cảng Biển Đen của Ukraine qua "hành lang nhân đạo", với việc Moscow sẵn sàng đảm bảo an toàn cho họ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine trước đó cho biết, Kiev đang làm việc với các đối tác quốc tế về một giải pháp do Liên Hợp quốc hậu thuẫn nhằm khôi phục các tuyến vận tải biển ở đó.

Trong một dấu hiệu khác của căng thẳng kinh tế, ngân hàng trung ương Ukraine đã tăng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất trong 7 năm để giải quyết lạm phát tăng cao và bảo vệ đồng tiền quốc nội hryvnia, trong khi Thống đốc ngân hàng này kêu gọi đàm phán với quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một chương trình tài trợ mới.