70 năm giải phóng Thủ đô

Nghệ An: báo động thực trạng lao động tại các cơ sở chế biến đá

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An lâu nay luôn được mệnh danh là thủ phủ khoáng sản, là địa phương có lượng người lao động làm việc trong các mỏ khoáng sản, cơ sở chế biến khoáng sản lớn, tuy nhiên vấn đề an toàn lao động lại đang hết sức đáng báo động.

Những “khoảng trống” đáng lo ngại

Theo thống kê từ UBND huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn có 515 doanh nghiệp, với 6.180 lao động. Quỳ Hợp lâu nay được xem là thủ phủ khoáng sản, ngoài khai thác các mỏ khoáng sản thì nơi đây còn được xem là đại công trường về chế biến khoáng sản. Do tính chất đặc thù về lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, lao động tại địa bàn này luôn đối diện với những công việc hết sức nguy hiểm.

Người lao động tại công ty chế biến đá tại xã Châu Tiến không được đóng bảo hiểm dù thời gian làm việc gần cả chục năm, không sử dụng đồ bảo hộ lao động...
Người lao động tại công ty chế biến đá tại xã Châu Tiến không được đóng bảo hiểm dù thời gian làm việc gần cả chục năm, không sử dụng đồ bảo hộ lao động...

Cũng bởi vậy, gần như năm nào, tại địa bàn huyện Quỳ Hợp đều xảy ta tai nạn lao động khiến người lao động, bị thương, tử vong. Theo thống kê những năm gần đây như: năm 2021, xảy ra 6 vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong; năm 2023 xảy ra 1 vụ tai nạn lao động tại Công ty TNHH Trung Nguyên – Nghệ An khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương; tháng 3/2024 xảy ra vụ tai nạn lao động tại mỏ đá Hợp Thịnh, xã Liên Hợp khiến 1 người (trú tại xã Châu Quang) tử vong.

Mặc dù làm việc trong môi trường, điều kiện lao động hết sức nguy hiểm nhưng qua ghi nhận của phóng viên tại một số cơ sở, doanh nghiệp, cụm công nghiệp cho thấy người lao động tại đây vẫn đang đối diện với nhiều rủi ro, làm việc cực nhọc nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của chủ sử dụng lao động. Đó là những lao động không được đóng bảo hiểm, không được khám sức khỏe định kỳ, không có các thiết bị bảo hộ cần thiết trong quá trình làm việc...

Lao động trong tình trạng rủi ro tai nạn lao động nhưng những người phụ nữ này không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động.
Lao động trong tình trạng rủi ro tai nạn lao động nhưng những người phụ nữ này không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động.

Đơn cử như tại cụm công nghiệp Thọ Hợp, tại một xưởng xẻ đá có 3 công nhân đang lao động tích cực, làm việc trong điều kiện bụi bẩn, máy xẻ đá nguy hiểm, rủi ro rình rập nhưng không sử dụng đồ bảo hộ lao động. Qua tiếp xúc, những lao động này cho biết, họ làm việc cho chủ xưởng là Hương Trà, lao động không đóng bảo hiểm...Còn tại Công ty Cổ phần Open Việt Nam, ghi nhận nhiều công nhân làm việc nhưng cũng trong tình trạng không đồ bảo hộ...

Tại xã Châu Tiến, gần cả chục lao động đang làm việc trên bãi đá cùng với máy móc nhưng cũng không có bảo hộ lao động. Qua tiếp xúc, nhiều người lao động cho biết họ không được đóng bảo hiểm xã hội, điều đáng nói có những lao động làm việc cho công ty Invecon Quỳ Hợp này đã trên 8 năm. Hay như tại Công ty Cổ phần đá Châu Á, nhiều lao động nữ làm việc tại khu vực phân loại, cho đá vào các bì tải cũng không có sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động...

Tại Công ty Cổ Phần An Sơn ( xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp) có gần 10 lao động đang làm việc cắt xẻ đá, bụi và nguy hiểm nhưng cũng không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động, doanh nghiệp này cũng có nhiều công nhân không tham gia bảo hiểm vẫn động.

Những dụng cụ bảo hộ nằm kho, trong khi đó người lao động lại không hề mang bất kỳ dụng cụ nào, ý thức người lao động chưa cao nhưng chủ doanh nghiệp chưa kiên quyết...
Những dụng cụ bảo hộ nằm kho, trong khi đó người lao động lại không hề mang bất kỳ dụng cụ nào, ý thức người lao động chưa cao nhưng chủ doanh nghiệp chưa kiên quyết...

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, an toàn vệ sinh lao động

Liên quan tới tình trạng người lao động trong các khu mỏ, xưởng chế biến sản xuất khoáng sản trên địa bàn huyện đang hàng ngày đối diện với nhiều rủi ro như nguy cơ tai nạn lao động, môi trường làm việc nguy hiểm nhưng không sử dụng bảo hộ lao động, nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm bụi bẩn, không được đóng bảo hiểm và kiểm tra sức khỏe định kỳ...Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Hợp Nguyễn Văn Thọ thừa nhận bên cạnh nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt, thực trạng đã có thay đổi tích cực hơn nhưng vẫn có tồn tại những hiện trạng lao động nêu trên.

Điều này cũng được nêu rõ tại văn bản số 274/UBND-LĐ ngày 1/3/2024 mà huyện Quỳ Hợp gửi Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp, giám đốc các doanh nghiệp, chủ tịch các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Môi trường làm việc rủi ro cao, dễ xảy ra tai nạn lao động, nhưng họ là những công nhân thời vụ, không đóng bảo hiểm lao động, không đồ bảo hộ lao động....
Môi trường làm việc rủi ro cao, dễ xảy ra tai nạn lao động, nhưng họ là những công nhân thời vụ, không đóng bảo hiểm lao động, không đồ bảo hộ lao động....

“Qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về An toàn vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn toàn huyện thì đa số chưa thực hiện nghiêm vi phạm quy định về An toàn vệ sinh lao động, như: chưa đăng ký nội quy lao động với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; không báo cáo định kỳ về An toàn vệ sinh lao động; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; không xây dựng kế hoạch An toàn vệ sinh lao động; không lập danh sách lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại; không xây dựng thang, bảng lương...” – trích từ văn bản số 274/UBND-LĐ.

Bụi đá phủ đầy mặt, quần áo...người lao động tại Công ty CP Open Việt Nam không sử dụng các dụng cụ, đồ bảo hộ lao động cần thiết.
Bụi đá phủ đầy mặt, quần áo...người lao động tại Công ty CP Open Việt Nam không sử dụng các dụng cụ, đồ bảo hộ lao động cần thiết.

Nêu lên nguyên nhân hực trạng, tồn tại hạn chế, UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng: công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện về An toàn vệ sinh lao động chưa được quan tâm đúng mực; sự phối hợp giữa các ngành, các cơ quan chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền về An toàn vệ sinh lao động chưa được thường xuyên; việc xử lý qua thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động, có vụ việc chưa thật sự nghiêm khắc, mới chỉ mang tính chất nhắc nhở, hướng dẫn; cán bộ quản lý phụ trách lĩnh vực chủ yếu kiêm nhiệm, lực lượng thanh kiểm tra chuyên ngành ít về số lượng, chất lượng chưa đồng đều; ý thức người lao động còn hạn chế;...

 

Từ năm 2021 đến 2023, huyện Quỳ Hợp tổ chức 101 cuộc kiểm tra chuyên đề (trong đó bao gồm vấn đề An toàn vệ sinh lao động) xử phạt vi phạm hành chính gần 5,5 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021, xử phạt vi phạm hành chính 14 trường hợp với tổng số tiền gần 850 triệu đồng; năm 2022 đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra 20 lượt, tham mưu UBND huyện xử phạt 16 doanh nghiệp với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng và kiến nghị UBND tỉnh xử phạt 1 doanh nghiệp số tiền hơn 270 triệu đồng; năm 2023 tham gia kiểm tra xử lý 33 tổ chức, doanh nghiệp vi phạm về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường với tổng số tiền lên tới hơn 2,5 tỷ đồng.