Nghệ An: cần tạo sự đồng thuận, thống nhất tên xã sau sáp nhập

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc đổi tên các xã sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang được quan tâm vì chưa có sự đồng thuận từ người dân.

Gần đây nhất, tên xã sau sáp nhập hai xã tại huyện Quỳnh Lưu gồm xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu được địa phương trình tên sau sáp nhập là xã Đôi Hậu.

Sau khi thông tin này được chia sẻ, nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, đa phần các ý kiến cho rằng việc xóa bỏ tên xã gắn liền với lịch sử, văn hóa đặc sắc lâu đời nay như thế là chưa phù hợp, tên xã sau sáp nhập còn mang tính cơ học, không ý nghĩa. Cần có sự nghiên cứu, thẩm định và đồng nhất để tên xã sau sáp nhập vẫn giữ được hồn cốt địa danh....

Liên quan câu chuyện này, trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Dinh cho biết, sau khi có những dư luận trái chiều về tên xã được sáp nhập, ngày 15/4, Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp. 

Tên xã sau sáp nhập cần có sự thống nhất cao ở địa phương rồi mới chốt phương án trình lên các cấp, việc đặt tên xã sau sáp nhập không nên cứng nhắc, cơ học...
Tên xã sau sáp nhập cần có sự thống nhất cao ở địa phương rồi mới chốt phương án trình lên các cấp, việc đặt tên xã sau sáp nhập không nên cứng nhắc, cơ học...

Trên cơ sở phản hồi tư dư luận cũng như chỉ đạo từ tỉnh, huyện Quỳnh Lưu đang tiếp tục giao cho các tổ công tác tiếp tục rà soát lại các nội dung về sáp nhập xã, trong đó quan tâm nhất là tên gọi sau sáp nhập.

Với tinh thần theo định hướng, khuyến khích lấy tên 1 xã, tuy nhiên phải đáp ứng được sự đồng thuận từ cơ sở lên. Còn nếu không thống nhất được thì xem xét rà soát lại để lựa chọn tên phù hợp nhất.

Định hướng các địa phương, nếu tìm lại quá khứ mà từng mang tên chung thì có thể lựa chọn, ưu tiên xem xét và đề xuất. Hoặc lựa chọn tên mới nhưng giữ lạ chữ Quỳnh để vẫn thể hiện được rõ nét về huyện Quỳnh Lưu, miễn không trùng lặp với xã khác đã có. Tránh việc sử dụng tên ghép, để tránh tư tưởng cục bộ giữ lại 1 phần dấu ấn xã riêng, hơn nữa gây hiểu nhầm suy diễn tên xã sau sáp nhập theo hướng không hay.

Nguyên tắc vẫn là tạo được sự đoàn kết, nhất trí thống nhất cao của người dân thì mới xem là thành công. Chọn tên đẹp, ý nghĩa, gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, con người...

“Cấp trên thì cũng chỉ gợi ý, định hướng, phối hợp tuyên truyền vận động, còn quyết định thì vẫn là địa phương, người dân nơi các xã sáp nhập. Làm sao đó phải đồng thuận nhất trí, tránh trường hợp áp đặt, sau này tạo ra những ảnh hưởng sau sáp nhập”, ông Nguyễn Văn Dinh nói.

Bên cạnh đó, thời gian để bàn bạc thống nhất bị rút ngắn, hơi gấp gáp. Mốc thời gian hoàn thành trước đây là tháng 12/2024 nhưng nay bị đẩy lên yêu cầu hoàn thành trước 3 tháng so với dự kiến trước đó.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng các địa phương cần nghiên cứu kỹ, thống nhất cao tên gọi xã sau sáp nhập rồi trình lên cấp thẩm quyền, đảm bảo các quy định...
Lãnh đạo Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng các địa phương cần nghiên cứu kỹ, thống nhất cao tên gọi xã sau sáp nhập rồi trình lên cấp thẩm quyền, đảm bảo các quy định...

Về câu chuyện tên xã sau sáp nhập sao cho hợp lý, đồng thuận từ Nhân dân. Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính có một nội dung quan trọng là chọn tên sau sáp nhập.

Quyết định việc này cuối cùng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng xuất phát đầu tiên là các huyện phải thống nhất tên xã sau sáp nhập. Trong các phương án xây dựng trình lên thì các huyện thống nhất cao, nhưng vừa qua xuất hiện một vài thay đổi, dự kiến thay đổi, như chuyện tên xã Đôi Hậu ở huyện Quỳnh Lưu dự kiến có thay đổi nhưng quyết định cuối cùng đưa ra tên xã sau sáp nhập thì chưa.

Địa phương sẽ phải tập trung nghiên cứu kỹ, bàn bạc lại các xã sáp nhập để lựa chọn tên xã sau sáp nhập phù hợp. Trên tinh thần Nghị quyết 35, làm sao đó tên xã sau sáp nhập phù hợp với từng địa phương cụ thể về lịch sử, văn hóa và khuyến khích phù hợp với nguyện vọng của cử tri.

Tại Nghệ An hiện có 90 đơn vị tiến hành sáp nhập, sau sáp nhập nếu như phương án, đề án tỉnh đề ra thì giảm 49 đơn vị hành chính cấp xã. Có hơn 800 cán bộ cấp xã dôi dư sau sáp nhập sẽ được sắp xếp vị trí việc làm từ nay đến năm 2026.