80 năm cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nghệ An: dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tại tỉnh Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, bùng phát nhiều ổ dịch tại các xã gây nên thiệt hại lớn cho hộ chăn nuôi. 

Trắng tay, nợ nần vì dịch tả lợn

Từ tháng 6 tới nay, xã Nam Đàn (Nghệ An) ghi nhận 53 hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn xảy ra rải rác trên các xã, buộc tiêu hủy theo quy định hơn 460 con lợn. Số lợn nhiễm bệnh chủ yếu được nuôi theo nông hộ, nhỏ lẻ. Ngày 10/7 vừa qua, xã này đã phải ra  quyết định, thông báo công bố dịch tả lợn, lên phương án phòng chống, dập dịch. 

Ngày 16/7, hộ chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại của anh Trần Văn Nam (xóm Phong Sơn, xã Nam Đàn) đã buộc phải tiêu hủy 25 con lợn mắc bệnh. Anh Nam cho biết, gia đình anh chăn nuôi lợn hơn 20 năm qua, nhưng đợt dịch lần này mới thấy mức độ lây lan nhanh. Trong vòng 1 tuần, cả hai trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình anh phải tiêu hủy tổng cộng 48 con lợn, ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 600 triệu đồng.

Dịch tả lợn châu Phi đã và đang khiến nhiều hộ chăn nuôi tại Nghệ An điêu đứng.

“Sau một đêm, gia đình tôi gần như trắng tay, gánh nợ, lợn sắp xuất chuồng, bao công nuôi, tiền thức ăn, thuốc men... đổi lại phải tiêu hủy hết. Biết lợn nhiễm bệnh, gia đình tôi báo địa phương, kiểm tra, tổ chức tiêu hủy, cũng chỉ mong Nhà nước có hỗ trợ phần nào đó để các hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn” - anh Nam buồn bã nói.

Đợt dịch tả lợn bùng phát lần này, xã Đại Đồng cũng là địa phương chịu thiệt hại lớn. Tính từ ngày 1/7 đến nay, dịch tả lợn ảnh hưởng trên 320 hộ chăn nuôi, tiêu hủy hơn 1.800 con lợn, trọng lượng lên tới gần 112 tấn. 

Chuyên viên phòng Kinh tế xã Đại Đồng Nguyễn Thị Định cho biết, thiệt hại đợt dịch này rất lớn, bà con ở địa bàn chủ yếu trông chờ vào chăn nuôi, dịch bệnh diễn biến phức tạp gây tổn thất nặng nề cho kinh tế hộ gia đình.

Cần tăng cường kiểm soát, dập dịch

Tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung do ông Trần Văn Hòa quản lý, hoạt động thuộc xã Nam Đàn, theo ghi nhận vẫn còn diễn ra cảnh lợn từ địa bàn khác được chở về đây giết mổ nhưng thiếu sự kiểm soát từ cơ quan chuyên môn. Tiếp xúc với một lái buôn chở lợn bằng xe tải với gần 20 con lợn thịt vào cơ sở này, khi đề cập tới giấy tờ nguồn gốc lợn, kiểm dịch, người buôn lái này cho biết là không có. Cơ sở này vào ngày 13/7 vừa qua bị chính quyền địa phương phát hiện, xử lý về việc tiếp nhận 6 con lợn thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi chuẩn bị cho việc giết mổ.

Chủ tịch UBND xã Nam Đàn Hoàng Nghĩa Hùng cho biết, trước diễn biến dịch tả lợn xảy ra phức tạp, địa phương cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác, phối hợp với các hộ chăn nuôi thực hiện phòng, chống dịch bằng nhiều biện pháp. Tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt về giết mổ tập trung, việc vận chuyển, mua bán lợn từ các địa phương khác về và từ xã Nam Đàn đi các địa phương khác.

“Chính quyền địa phương cho lập các tổ, nhóm, cán bộ thú y... tham gia tuần tra, kiểm soát hoạt động mua, bán, vận chuyển, giết mổ gia súc tại địa bàn. Xử lý nghiêm các hành vi, hoạt động vi phạm trong công tác phòng chống dịch. Hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con Nhân dân” - ông Hùng nhấn mạnh.

Nghệ An yêu cầu các xã, phường rốt ráo phòng chống dịch, dập dịch tả lợn. 

Trong thời điểm dịch tả lợn diễn biến phức tạp, mức độ gây thiệt hại lớn nhưng một số kênh, mương diễn ra cảnh tượng xác lợn chết trôi nổi. Đây là một trong những nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh, khó kiểm soát, dập dịch. Đơn cử một số xã như Yên Thành, Giai Lạc... địa phương phải tổ chức vớt, tiêu hủy lợn trôi nổi trên sông, kênh.

Qua đó cho thấy ý thức của một số hộ chăn nuôi còn hạn chế, không chỉ vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, hành vi này còn khiến công tác dập dịch khó khăn, gây nguy cơ dịch lan rộng, thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi khác.

Ngày 15/7, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công điện số 20/CĐ-UBND, nêu rõ: yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung trọng tâm tập trung phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh không có Giấy chứng nhận kiểm dịch.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu đạt mục tiêu “hạnh phúc - thịnh vượng” trong nửa cuối 2025

Phấn đấu đạt mục tiêu “hạnh phúc - thịnh vượng” trong nửa cuối 2025

18 Jul, 12:57 PM

Kinhtedothi - Sau sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng, bộ máy chính quyền hai cấp đang vận hành nhịp nhàng, hiệu quả, góp phần tạo nền tảng cho đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế địa phương. Tăng trưởng GRDP năm 2025 của thành phố được dự báo đạt khoảng 9,4%, khẳng định sự khởi đầu đúng hướng của một đô thị hợp nhất đang hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, hạnh phúc và thịnh vượng.

Đề xuất tăng lương tối thiểu 7,2%, áp dụng từ 1/1/2026

Đề xuất tăng lương tối thiểu 7,2%, áp dụng từ 1/1/2026

18 Jul, 12:46 PM

Kinhtedothi – Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, với mức đề xuất tăng lương tối thiểu 7,2% so với hiện hành, áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ