Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ An: Giá dầu tăng cao, ngư dân vươn khơi vì "nhớ nghề, nhớ biển"

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không còn cảnh tàu thuyền nhộn nhịp cập cảng, tiểu thương tranh giành mua hải sản như các vụ mùa trước, các cảng cá ở Nghệ An hiện đang rơi vào trầm lắng, đìu hiu bởi chi phí xăng dầu tăng quá cao, một chuyến ra khơi hay chăng chỉ còn vì nhớ nghề, nhớ biển...

Thuyền nằm bờ, phơi nắng

Với ngư dân các địa phương vùng ven biển Nghệ An, vươn khơi, bám biển bao đời nay luôn mang lại cuộc sống ổn định, kinh tế bền vững. Nhờ những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương, những chiếc tàu cá sẵn sàng bám biển dài ngày, với sản lượng khai thác ngày một lớn hơn.

Giá dầu liên tiếp lập đỉnh, hàng trăm tàu thuyền chấp nhận cảnh phơi nắng.
Giá dầu liên tiếp lập đỉnh, hàng trăm tàu thuyền chấp nhận cảnh phơi nắng.

Tuy nhiên, gần đây, việc giá xăng, dầu liên tục tăng khiến việc ra khơi phải "cõng" thêm chi phí lớn. Sau những chuyến đi dài ngày, dù sản lượng đánh bắt lớn nhưng các chủ tàu vẫn méo mặt vì lỗ. Việc phải bù lỗ liên tiếp như vậy khiến các chủ tàu không còn mặn mà với những chuyến đi xa. Và rồi chẳng ai hình dung được cảnh tượng bỗng một ngày, tàu thuyền đậu đầy cảng như hiện nay.

Được xem là một trong những địa bàn xếp nhất, nhì về nghề biển ở Nghệ An, lực lượng lao động nghề biển và thu nhập kinh tế chủ yếu từ biển tại xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) là chủ yếu, cảng Lạch Thơi có sức chứa khoảng 300 tàu thuyền. Gần đây, cảng Lạch Thơi đã không còn cảnh tấp nập, chỉ có lác đác vài chủ tàu đội nắng sửa lại ngư cụ, vá những vết rỉ sét ở tàu.

Anh Trương Văn Phúc (xóm 8, xã Sơn Hải) cho biết, con tàu hơn 900CV được gia đình sắm mới cách đây 5 năm, đã có hàng vạn chuyến ra khơi ổn định, mang lại cái ăn cái mặc cho gia đình và nhiều lao động. Đây là lần đầu tiên chiếc thuyền hơn 3 tỷ đồng của gia đình anh phải nằm bờ và chưa biết lúc nào giá dầu hạ nhiệt để có thể tiếp tục ra khơi. Trong tình thế bất đắc dĩ, việc đánh cá phải tạm dừng, một số lao động làm cùng anh cũng phải chuyển sang nghề khác để kiếm sống.

“Giá dầu tăng khiến mỗi chuyến ra khơi tiêu tốn thêm của tôi 60-80 triệu đồng chi phí. Việc chi phí đội lên cao như vậy khiến mỗi lần đánh bắt đều phải bù lỗ, thà chấp nhận tàu tạm nằm bờ, chờ xem tình hình tiếp, còn không thể mãi bù lỗ như vậy được”, anh Phúc buồn bã nói.

Cùng chung cảnh ngộ, tại cảng cá Lạch Thơi, có hàng trăm tàu có công suất lớn phải nằm một chỗ. Sản lượng đánh bắt cũng vì thế mà giảm sút rõ rệt, ảnh hưởng tới thị trường hải sản tại địa bàn nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

Ngư dân tranh thủ thời gian không đi biển để sửa lại ngư cụ.
Ngư dân tranh thủ thời gian không đi biển để sửa lại ngư cụ.

Chị Nguyễn Thị Sửu (hộ kinh doanh hải sản tại xã Sơn Hải) cho biết, trước đây cảng cá nhộn nhịp tàu cập bến, lượng thủy sản dồi dào, dễ dàng lựa chọn, mua bán, nhưng gần đây do tác động giá dầu, tàu ít ra khơi nên khan hàng hơn, cảng không còn sự sôi động như vốn có.

Không khác gì cảng cá Lạch Thơi, tại cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) - cảng cá từng được xem là nhộn nhịp nhất Nghệ An thì nay hàng trăm tàu thuyền xếp hàng dài, nằm bờ, chờ dầu xuống giá. Đó cũng là nỗi niềm của ngư dân xã Quỳnh Nghĩa, khi nhiều ngày qua tàu thuyền của họ phải nằm bờ, vì không “đủ sức” chống chọi với giá xăng.

Chị Hồ Thị Tình (42 tuổi, xã Quỳnh Nghĩa) - chủ tàu 800CV cho biết, hiện nay, do giá dầu tăng cao nên mỗi chuyến đi biển về may mắn thì hòa vốn, không là lỗ. “Để có chiếc thuyền này, 11 gia đình góp vốn với nhau, mỗi chuyến biển tổng thu 160 triệu đồng, trong đó chi phí xăng dầu đã 100 triệu đồng, các chi phí khác tầm 30 triệu đồng, nếu tính cả hao mòn máy móc sẽ hòa vốn, còn chăng thì chỉ dư khoảng 2 triệu đồng/1 người cho 20 ngày lênh đênh trên biển”, chị Tình cho biết.

Nhọc nhằn bài toán bám biển

Có một thực tế, không chỉ vì giá xăng, dầu tăng cao, từ nhiều năm nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ngư dân tại Nghệ An đã không mặn mà với nghề biển. Theo thống kê tại xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu), trước năm 2015, địa phương này có 260 tàu cá đánh bắt hải sản với trên 3.200 lao động. Nhưng đến nay, số lượng này chỉ còn 115 tàu cá và hơn 700 lao động.

Chủ tịch UBND xã Sơn Hải Cao Xuân Điệp cho biết, giá xăng, dầu leo thang khiến các hoạt động đánh bắt hải sản, nghề cá của địa phương giảm sút, các tàu thuyền không dám ra khơi vì lỗ. Chi phí xăng dầu đã vượt quá nguồn thu của mỗi chuyến đi.

Chuyện bám biển đang rất gian nan với ngư dân.
Chuyện bám biển đang rất gian nan với ngư dân.

“Nhiều năm nay, hàng nghìn người dân địa phương đã chuyển đổi nghề nghiệp, nếu như người trẻ tìm hướng xuất khẩu lao động thì những người lớn tuổi sẽ tiếp tục tìm đến các công ty vận tải biển để được ra khơi”, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải nói.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, do nhiều nguyên nhân trong hai năm qua, ngư dân cũng như hoạt động nghề biển gặp nhiều khó khăn. Sản lượng khai thác trong tháng 1/2022 đạt 12.159 tấn (giá trị ước đạt 237,32 tỷ đồng). Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 11.638 tấn, bằng 6,85% so với kế hoạch năm, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, Nghệ An đặt kế hoạch khai thác 175.000 tấn hải sản.

 Nhiều tàu thuyền không dám ra khơi vì sợ lỗ.
 Nhiều tàu thuyền không dám ra khơi vì sợ lỗ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến thủy sản và các chủ tàu yên tâm vươn khơi đánh bắt thủy hải sản, UBND tỉnh Nghệ An đã giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng nuôi trồng; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An Chu Quốc Nam cho rằng, để động viên ngư dân tiếp tục bám biển, ngoài các chính sách của tỉnh, Chi cục cũng đang nỗ lực làm tốt công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép và nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Bên cạnh đó nắm bắt thời tiết dự báo ngư trường cho bà con, hỗ trợ máy thông tin tầm xa...

 

Theo thống kê từ ngành chức năng, tỉnh Nghệ An có hơn 3.400 tàu thuyền (Thị xã Hoàng Mai có 885 tàu, huyện Quỳnh Lưu có 585 tàu, huyện Diễn Châu có 497 tàu, thị xã Cửa Lò có 345 tàu...) trong đó, có hơn 1.000 chiếc tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ, khoảng 20.000 lao động nghề biển.