Dịp này về phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), nhiều người sẽ bất ngờ khi được tham quan, trải nghiệm dòng dâu tây hữu cơ giống Nhật Bản trên vựa đất nhiễm mặn của gia đình anh Nguyễn Văn Quyền và chị Trần Thị Hương. Điều đáng nói, với sự chăm chỉ, mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật, cây dâu tây đã bắt đầu cho gia đình người nông dân ấy những “quả ngọt”.
Bao đời nay, nhắc tới phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai gần như ai cũng rõ bởi nơi đây như là một vùng chỉ trồng cây thuốc lào. Đất vùng này bị nhiễm mặn, rất khó để trồng các loại rau màu khác hay cây trồng khác và nếu trồng thì năng suất và hiệu quả cũng không cao. Cũng bởi vậy trải qua bao đời, mảnh đất ấy thủy chung với cây thuốc lào, trong khi đó cây thuốc lào ngày càng không mang lại hiệu quả kinh tế cao như trước.
Trong một lần tham quan vườn dâu tây của một người bạn, nhận thấy thu nhập từ loại cây này khá cao nên gia đình anh Quyền đã cố gắng tập trung học hỏi và khi có chút ít kiến thức, nhờ sự hỗ trợ anh đã mạnh dạn mua giống dâu tây về trồng thử nghiệm.
Khi mới bắt tay vào trồng gặp nhiều khó khăn về vốn, cây giống, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc dâu tây. Do đó anh Quyền đã dành nhiều thời gian lên các trang mạng, kênh thông tin học tập cách trồng dâu tây và tiếp tục bỏ kinh phí đi tham quan những mô hình trồng dâu tây trên những “vùng đất khó” nhưng lại có hiệu quả. Cơ duyên đến khi quá trình trồng thử nghiệm giống dâu tây có nguồn gốc từ Nhật Bản (tên gọi tochiotome – Nhật) cho hiệu quả rõ rệt. Khi nhận diện được giống cây phù hợp, tiếp tục đầu tư kỹ thuật, chăm sóc, vựa dâu tây của gia đình anh bắt đầu phát triển, mang lại năng suất kinh tế bước đầu.
Để cây dâu tây phát triển tốt, không bị sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, anh Quyền cho biết điều đầu tiên là phải xử lí đất. Dâu tây thích hợp với đất thịt nhẹ, cao ráo và thoát nước tốt. Khu đất trồng dâu tây phải được thu dọn tàn dư thực vật, vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng. Cày ải, phơi đất, lên luống cao để cây dâu không bị úng nước. Đồng thời cũng bón lót vôi, phân lân và phân chuồng trước khi trồng 15 – 20 ngày. Bên cạnh đó, phải trải ni-lông lên trên mặt luống, phủ bên ngoài gốc cây vừa có tác dụng giữ độ ẩm vừa tạo ngăn cách quả với đất cho sạch và hạn chế được sâu bệnh gây hại quả.
Để có được vườn dâu tây đạt năng suất, chất lượng cao, quả to, mẫu mã đẹp, gia đình anh đã tốn rất nhiều công sức. Toàn bộ đất hơn một sào trồng dâu tây của gia đình anh Quyền được áp dụng sản xuất dâu tây theo tiêu chuẩn VietGap, hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ. Điểm khác biệt ở đây là toàn bộ phân bón đều là chế phẩm sinh học như đạm cá (ủ cá tươi lên men rồi pha loãng với nước để làm phân bón), dịch chuối và trứng sữa nên độ màu mỡ trong đất rất cao.
Sau thành công của vụ đầu tiên, năm nay, vườn dâu tây của gia đình anh Quyền đã bước vào thời điểm thu hoạch. Theo anh Quyền, thời gian từ khi gieo trồng cho đến khi cây cho trái chỉ là 100 ngày, chi phí chủ yếu là cây giống, còn lại khâu chăm sóc thì tranh thủ lúc nông nhàn. Vụ chính sẽ bán vào đúng dịp Tết nên khá đắt khách, không đủ cung cấp cho bà con.
Nói về câu chuyện anh Nguyễn Văn Quyền với vườn dâu tây trĩu quả, mang lại kinh tế cao trên mảnh đất nhiễm mặn, Phó chủ tịch UBND phường Quỳnh Dị, Hồ Hữu Thọ cho biết, đây là mô hình trồng dâu tây đầu tiên được triển khai ở địa phương. Từ trước tới nay, vụ Đông bà con nông dân chỉ trồng cây thuốc lào. Tuy chưa có đánh giá cụ thể nhưng bước đầu cho thấy loại cây này có triển vọng phù hợp với thổ nhưỡng, giá trị kinh tế lại cao. Thời gian tới, địa phương sẽ khảo sát, nghiên cứu và có định hướng phù hợp để bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích.