Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ An: kiên quyết xử lý tàu cá “ba không"

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Liên quan tới lĩnh vực thủy sản, trong 10 tháng qua, tỉnh Nghệ An đã xử phạt 244 phương tiện tàu cá vi phạm về đánh bắt thủy sản với tổng số tiền lên tới hơn 4 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả tàu cá "ba không".

Vẫn còn nhiều vi phạm

Báo cáo mới đây nhất từ tỉnh Nghệ An cho thấy, tỉnh này hiện có tổng số tàu cá đã đăng ký 2.759/2.879 (đạt 95,83%) và đã được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (đạt 100%).

Ngoài ra, địa phương này cũng đã có số tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 1.047/1.067 (đạt 98,13%). Số tàu chưa lắp là 20 tàu (chiếm 1,87%,), gồm những tàu cá đã phá dỡ, giải bản nhưng chủ tàu không làm thủ tục xóa đăng ký và tàu cá đậu bờ không đi sản xuất, chờ bán.

Nghệ An quyết liệt tuyên truyền, xử lý tàu cá vi phạm trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. 
Nghệ An quyết liệt tuyên truyền, xử lý tàu cá vi phạm trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. 

Trong 10 tháng đầu năm 2024, liên quan tới các vi phạm trong đánh bắt thủy sản, bao gồm cả các tàu cá "ba không", các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã lập biên bản, xử phạt 244 chủ tàu cá với 244 phương tiện, tổng số tiền thu nộp ngân sách lên tới hơn 4 tỷ đồng.

Cùng với việc xử phạt hành chính, có 20 thuyền trưởng tàu cá vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng, tịch thu 2 chiếc kích điện, 1 bộ lưới kéo và 60m dây điện.

Kiên quyết xử lý các tàu cá "ba không"

Chuyên viên Phòng kinh tế UBND thị xã Cửa Lò Nguyễn Minh Quốc thông tin, qua kiểm soát cho thấy, thị xã Cửa Lò có 72 tàu cá thuộc diện “ba không”, tất cả 72 tàu này đều có chiều dài từ 6-12m.

Hiện, nay địa phương này vẫn còn có 26 tàu cá “ba không”, các tàu cá này hiện đang làm hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tích cực tuyên truyền, hoàn thiện giấy tờ pháp lý đúng quy định đối với tàu cá. 
Tích cực tuyên truyền, hoàn thiện giấy tờ pháp lý đúng quy định đối với tàu cá. 

Ông Quốc nêu thêm, quá trình triển khai xử lý tàu cá “ ba không” cũng đã gặp một số khó khăn. Đơn cử như, một số người dân là chủ tàu cá không hiểu biết về quy định mua bán tàu cá của tỉnh. Đó là việc không cho phép mua bán tàu cá ngoại tỉnh có chiều dài dưới 15m, trong khi đó nhiều người dân lại mua tàu cá ở địa bàn tỉnh lân cận như Hà Tĩnh.

“ Để làm tốt công tác này thì cần tăng cương tuyên truyền Luật thủy sản và đồng thời phải xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm”, ông Quốc nêu.

Qua thống kê cho thấy, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc hiện còn 107 phương tiện tàu cá “ba không”. Thời gian qua, địa phương này cũng đã có 78 tàu cá đã hoàn tất các thủ tục theo quy định và đã được cấp đăng ký.

Cán bộ phụ trách lĩnh vực này cho rằng, tại địa phương, thời guan qua triển khai vấn đề xử lý tàu cá “ba không” hết sức rốt ráo. Quá trình thực hiện ban đầu chủ một số tàu còn chưa phối hợp, không chịu sơn tàu theo quy định...Nhưng sau những lần thực hiện tuyên truyền sâu, rộng thì cơ bản đã đồng thuận và chấp hành.

Trao đổi với phóng viên, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm Ngư Nghệ An Mai Hồng Phong thông tin, thời gian qua Nghệ An triển khai quyết liệt và mục tiêu đến tháng 11/2024 sẽ xử lý dứt điểm, cấp thủ tục đầy đủ đối với tàu cá "ba không". Quá trình thực hiện cũng diễn ra nhiều biến động, địa phương thay đổi, bổ sung thêm danh sách tàu cá sau quá trình rà soát. 

Do đó tiếp tục đưa vào thực hiện hoàn thiện thủ tục đối với tàu cá "ba không", bảo đảm trong tháng 11 sẽ xử lý dứt điểm lĩnh vực này.