Thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, nhằm ứng phó tối đa sự ảnh hưởng của bão số 1, tỉnh Nghệ An đã chủ động lên mọi phương án để đảm bảo an toàn, tính mạng cũng như tài sản của người dân trước cơn bão.
Tính đến 16 giờ ngày 16/7, tỉnh Nghệ An có 2.978 phương tiện/14.869 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Trong đó, số phương tiện đang neo đậu tại bến là 2.190 phương tiện/9.977 lao động và 1 phương tiện /1 lao động neo đậu ngoại tỉnh. Hiện, tất cả các phương tiện đều liên lạc được và không có phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm của cơn bão số 1. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã được cơ quan thông tin duyên hải thông báo về vị trí, hướng đi của cơn bão và giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Nghệ An có 1.061 hồ đập lớn nhỏ và 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Các công trình đều đang được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng chống thiên tai, an toàn đập và hồ chứa được phê duyệt.
Tập trung quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Đồng thời, sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, tàu du lịch; công trình đang thi công; đảm bảo an toàn cho khách du lịch đang lưu trú trên địa bàn.
Tùy theo diễn biến thực tế của bão tại địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành lệnh cấm biển. Các địa phương vùng đồng bằng và ven biển cần khẩn trương tổ chức chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao.
Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Toàn tỉnh hiện có 20.068 ha nuôi trồng thủy sản; 117.177 ha cây trồng hè thu – mùa, cần chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Các huyện vùng núi phải triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, khu vực khai thác khoáng sản; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão. Đối với kịch bản bão cấp 13 kết hợp triều trung bình, dự kiến phương án di dời tại chỗ sẽ là 16.200 người; sơ tán đến chỗ ở khác 2.000 người. Tại vùng miền núi, các vùng nguy cơ sạt lở đất, sạt lở núi, lũ ống, lũ quét, đối với 166 điểm sạt lở đất được thống kê, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương triển khai phương án di dời dân khi có thiên tai với 3.243 hộ/13.211 nhân khẩu.
UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan khẩn trương thực hiện nội dung công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 1 năm 2023. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức nghiêm túc công tác trực ban 24/24 giờ .