Nghệ An: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy ở chợ dân sinh

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 400 chợ dân sinh, trong số đó nhiều khu chợ nay đã xuống cấp, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang đối diện với nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đúng quy định là điều khó tránh khỏi.

Luôn tiềm ẩn nguy cơ cao

Những năm gần đây, tại Nghệ An vẫn luôn xảy ra các vụ cháy chợ dân sinh, chợ truyền thống gây thiệt hại lớn về vật chất cho bà con tiểu thương. Một số vụ cháy chợ khiến nhiều người bàng hoàng, mất mát lớn về kinh tế như: cháy trung tâm chợ Hiếu (thị xã Thái Hòa), chợ Hưng Dũng (TP Vinh) năm 2019 và mới đây nhất vào tháng 2 năm 2023 xảy ra vụ cháy tại chợ Bảo Thành (huyện Yên Thành)...

Nhận diện những nguy cơ về các vấn đề như môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự và đặc biệt là công tác PCCC, Sở Công thương tỉnh Nghệ An thường xuyên gửi các văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Ban quản lý chợ lẫn tiểu thương về PCCC cũng như kiện toàn Đội PCCC ở các chợ, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống, sự cố cháy nổ xảy ra.

Hiện trường cháy chợ Bảo Thành (huyện Yên Thành) vào tháng 2/2023 .
Hiện trường cháy chợ Bảo Thành (huyện Yên Thành) vào tháng 2/2023 .

Điểm qua một số khu chợ lớn, sầm uất tại TP Vinh như chợ Vinh, chợ Ga, chợ Hưng Dũng...cho thấy, thực tế công gác PCCC luôn được quan tâm, rốt ráo, hệ thống PCCC cũng như nhân sự Ban quản lý, đội PCCC các chợ được kiện toàn và luôn trong tình thế “sẵn sàng chiến đâu với hỏa hoạn”. Thế nhưng vẫn còn đó những tồn tại cần sớm khắc phục, trong đó nổi bật nhất là vấn đề đầu tư, sửa chữa và nâng cấp chợ nói chung và công tác PCCC nói riêng để bảo đảm, hạn chế các nguy cơ hiện hữu có thể gay ra những vụ cháy gây thiệt hại.

Tại các khu chợ, theo quan sát của phóng viên cho thấy, vẫn tồn tại tình trạng tiểu thương để hàng hóa lộn xộn, lấn chiếm nghiêm trọng hành lang, đường đi lối lại trong chợ, trong đình chợ. Hàng hóa dễ cháy nổ nhưng cách sắp xếp, quản lý của các tiểu thương còn chưa thực sự ngăn nắp, phòng ngừa được rủi ro có thể xảy ra hỏa hoạn. Việc lấn chiếm, thiếu ý thức như vậy sẽ khiến công tác PCCC gặp khó khăn nếu xảy ta cháy, dẫn tới thiệt hại lớn cho bà con tiểu thương.

Nói về câu chuyện này, trưởng Ban quản lý chợ Ga Vinh Lê Vĩnh Hùng bày tỏ, những vi phạm của tiểu thương về việc lấn chiếm đường đi lối lại trong chợ, đình chợ có thể gây nên khó khăn về PCCC khi xảy ra hỏa hoạn thì Ban quản lý cũng thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng rồi lại tái phạm. Riêng phần đường phía nam khu chợ, do Ban quản lý chợ không có thẩm quyền quản lý nên diễn ra tình trạng lấn chiếm đường, đường cũng thành chợ, người dân tự ý căng bạt, các loạt vật liệu dễ gây cháy bao trùm cả đường...Khu chợ này hiện có 1.700 ki ốt.

Ngoài bất cập nêu trên, hiện nay nhiều khu chợ hệ thống PCCC đã xuống cấp, chợ xuống cấp, nhiều quy định liên quan PCCC chưa thể đáp ứng. Theo thống kê trong số 371 khu chợ dân sinh trên toàn tỉnh Nghệ An, hiện có 154 chợ kiên cố, 133 chợ bán kiên cố và 84 khu chợ có cơ sở vật chất tạm bợ, xuống cấp.

“Hiện nay thực trạng chợ ga Vinh đã xuống cấp nghiêm trọng, các đình đình phụ 1,2,3 hư hỏng, dột nát, hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống điện, cấp thoát nước…đã xây dựng hơn 30 năm nay không còn đảm bảo nên ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của các hộ tiểu thương. Hệ thống PCCC không đạt yêu cầu theo qui định pháp luật hiện hành”, trích văn bản số 34/CV-BQL chợ ga Vinh gửi kiến nghị UBND TP Vinh vào tháng 7/2023.

Được xem là khu chợ lớn nhất tỉnh Nghệ An, là nơi gần như trung tâm về hàng hóa của cả tỉnh và tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, chợ Vinh hiện có trên 3000 ki ốt. Ngoài phần đình chính lớn được đầu tư xây dựng bài bản, bảo đảm về mọi mặt thì chợ Vinh vẫn tồn tại chợ dân sinh có tuổi đời gần 40 năm. Khu vực chợ này thực trạng xuống cấp khiến công tác PCCC của Ban quản lý chợ cũng hết sức vất vả.

Để bảo đảm hạn chế tối đa xảy ra hỏa hoạn, lực lượng quản lý chợ luôn phải “căng mình” trong công tác quản lý, tổ chức các tổ tuần tra đêm để luôn chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra.

Nâng cao ý thức, chủ động về PCCC

Thực tế một số chợ cho thấy công tác về PCCC của Ban quản lý chợ luôn được nêu cao, lực lượng quản lý chợ cũng hết sức vất vả với nhiệm vụ PCCC, tuy nhiên thực tế việc phát sinh các vụ cháy gây thiệt hại trong những năm gần đây tại Nghệ An vẫn xảy ra.

Và có thể nhận diện một phần nguyên nhân cho câu chuyện này đó là do ý thức, trách nhiệm của một số bộ phận tiểu thương. Đó là việc còn chủ quan, dường như chưa ý thức được hậu quả lớn nếu xảy ra cháy, chưa trang bị thiết bị PCCC như bình chữa cháy, cố tình lấn chiếm đường đi lối lại trong chợ để rồi có thể gây ra khó khăn cho việc chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Bên cạnh đó là việc hàng hóa sắp xếp thiếu cẩn trọng, còn lộn xộn, thiếu tính toán việc phòng ngừa xảy ra hỏa hoạn.

Điểm qua nhiều khu chợ, cho thấy thực tế việc các tiểu thương tự trang bị thiết bị quan trọng phòng ngừa cháy nổ như bị bình cứu hỏa mini là rất hiếm. Mặc dù được Ban quản lý chợ tuyên truyền, thậm chí cho viết cam kết nhưng rồi "chuyện đâu bỏ đó”. Nhiều trường hợp cũng vì không trang bị bình cứu hỏa dẫn tới khi xảy ra cháy, dù có thời gian có thể khống chế dập tắt đám cháy nhỏ nhưng rồi do không chủ động được nên từ đám cháy nhỏ, cháy lan và trở thành đám cháy lớn ngoài tưởng tượng, gây nên những thiệt hại đáng tiếc.

Tâm lý vẫn còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm từ tiểu thương kinh doanh buôn bán ở chợ như chợ Ga Vinh này là một trong những nguồn cơn gây nên những rủi ro về hỏa hoạn (Ảnh Hoàng Phạm)
Tâm lý vẫn còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm từ tiểu thương kinh doanh buôn bán ở chợ như chợ Ga Vinh này là một trong những nguồn cơn gây nên những rủi ro về hỏa hoạn (Ảnh Hoàng Phạm)

Dẫu biết thực tế còn đó những bất cập, còn đó những rủi ro, nhưng cơ quan quản lý, thậm chí đến chính quyền sở tại cũng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, đó là việc liên quan tới câu chuyện ngân sách để đầu tư, nâng cấp chợ truyền thống. Nếu được đầu tư nâng cấp bài bản thì những khu chợ truyền thống với tuổi đời hàng chục năm kia mới có thể ứng phó tốt hơn với rủi ro về hỏa hoạn.

Ngày 10/7/2023, làm việc với Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022, UBND TP Vinh cũng đã kiến nghị Đoàn giám sát có ý kiến để sớm sửa đổi Nghị định 02/2003 về phát triển và quản lý chợ đã 20 năm nay quá lạc hậu, để góp phần bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại chợ Vinh nói riêng và các chợ trên địa bàn nói chung.

Video tăng cường công tác PCCC chợ dân sinh tại Nghệ An

 

Theo số liệu thống kê từ UBND tỉnh Nghệ An, từ 1/1/2013 đến 28/2/2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 812 vụ cháy, trong đó có 135 vụ cháy rừng, làm 20 người chết, 12 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 105 tỷ đồng. So với giai đoạn 10 năm trước, số vụ cháy tăng 611 vụ, tăng 05 người chết, giảm 66 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng 60 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số 812 vụ cháy, có 14 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 20 người chết và 12 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 100 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy chủ yếu là do có sự cố về thiết bị điện và sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt...