Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ An: Thành cổ Vinh đang chờ đợi để “thay da đổi thịt"

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện triển khai thực hiện quy hoạch Thành cổ Vinh sao cho đúng, trúng để vừa giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, vừa “thoát xác” để trở thành điểm đến du lịch lý tưởng khiến người dân hết sức quan tâm.

Video "trăn trở" về hiện trạng Thành cổ Vinh.

“Đánh thức” các giá trị của di tích Thành cổ

Thành cổ Vinh là một trong những công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa tiêu biểu còn hiện hữu ngay giữa trung tâm TP Vinh. Thành cổ Vinh (còn gọi là thành Nghệ An) được Vua Gia Long khởi dựng từ năm 1804 tại 2 xã Yên Trường và Vĩnh Yên thuộc tổng Yên Trường, huyện Chân Lộc (nay thuộc địa bàn 3 phường Quang Trung, Cửa Nam và Đội Cung). Ban đầu, Thành cổ được xây bằng đất, đến năm 1831, Vua Minh Mạng cho xây dựng lại với quy mô lớn, thiết kế theo kiểu vô băng, một kiểu thành lũy kiên cố phổ biến ở Châu Âu nhưng vẫn có những yếu tố truyền thống của kiến trúc Á Đông.

Thành cổ có cấu trúc hình lục giác với diện tích 420.000 m2, chu vi 2.520 m. Trên mặt thành bố trí các công trình quân sự. Tường thành cao 5,08m, xung quanh có hào sâu 3,2m, rộng 28m. Thành có 3 cửa, gồm: Cửa Tiền ở phía Nam – để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và Tổng đốc ra vào. Cửa Tả ở phía Đông, cửa Hữu ở phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua cầu. Cầu được xây theo kiểu vòm cuốn, lòng cầu rộng để thuyền có thể qua lại dễ dàng.

Thành cổ Vinh (TP Vinh, Nghệ An) là một trong những di tích lịch sử, văn hóa lớn.
Thành cổ Vinh (TP Vinh, Nghệ An) là một trong những di tích lịch sử, văn hóa lớn.

Thành cổ Vinh ( TP Vinh, tỉnh Nghệ An) là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử từ thời nhà Nguyễn cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trải qua quá trình lịch sử, sự khắc nghiệt của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, Thành cổ Vinh không còn được nguyên vẹn, chỉ còn lại 3 cổng thành sừng sững án ngự giữa những con đường vào nội thành. Năm 1998, Thành cổ Vinh được bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 95 – QĐ/BVHTT, ngày 24/01/1998.

Ngày 7/2/2002 di tích Thành cổ Vinh được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo tại Quyết định số 588.QĐ/UB. Tiếp đó, ngày 1/10/2008, tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4312/QĐ.UBND-CN phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Đến cuối tháng 12/2033 tỉnh Nghệ An tiếp tục có Quyết định số 4512/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh. Hiện trạng, dự án đã triển khai đầu tư xây dựng hào thành cổ và hệ thống đường giao thông xung quanh hào thành.

“Sinh sống ở đây từ những năm 1980 đến nay, thực sự chúng tôi rất quan tâm tới di tích Thành cổ sẽ được quan tâm và xây dựng để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử di sản. Thành cổ không còn hiện trạng như bị lãng quên, thiếu sự đầu tư khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch, không những thế ảnh hưởng tới đời sống hàng trăm người dân.

Thành cổ Vinh từ góc nhìn trên cao tổng thể. 
Thành cổ Vinh từ góc nhìn trên cao tổng thể. 

Do quy hoạch mãi nhưng chưa được triển khai, cứ thế hàng trăm gia đình sống trong vùng quy hoạch do đó không được đầu tư nâng cấp nơi ở khiến cuộc sống vô cùng vất vả. Chúng tôi mong các cấp ngành quan tâm hơn nữa để Thành cổ được chỉnh trang tổng thể, được triển khai các hạng mục theo quy hoạch đã phê duyệt", ông Nguyễn Văn Trường, Khối trưởng khối 2, phường Cửa Nam bộc bạch.

Đã phê duyệt quy hoạch nhưng...!

Qua tiếp xúc, các hộ dân đều bày tỏ sự đồng thuận, quan điểm mong muốn các cấp ngành quan tâm để có sự cải tạo, trùng tu, phát huy di tích Thành cổ Vinh. Người dân đã đồng thuận với các giải pháp quy hoạch đưa ra, các điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt cũng chính từ việc đồng thuận ấy.

Trải qua hàng chục năm, hiện trạng nhiều khu dân cư trong Thành cổ trở nên nhếch nhác, nhà cửa xuống cấp, dột nát, tạm bợ...khiến cho bức tranh tổng thể về Thành cổ trông rất đáng buồn. Đó là một di sản, di tích mang nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử và nay cần có sự quan tâm đúng mực để “lột xác”, phát huy được giá trị vốn có trong tương lai.

Trải qua nhiều lần điều chỉnh Quy hoạch, đến nay vẫn chưa được triển khai đầu tư, tôn tạo...khiến người dân hết sức vất vả, Thành cổ rơi vào cảnh "nhếch nhác". 
Trải qua nhiều lần điều chỉnh Quy hoạch, đến nay vẫn chưa được triển khai đầu tư, tôn tạo...khiến người dân hết sức vất vả, Thành cổ rơi vào cảnh "nhếch nhác". 

Chủ tịch UBND phường Cửa Nam Đặng Hiếu Lam tâm tư, thực sự các cấp ngành cần quan tâm mạnh mẽ hơn, cần có kế hoạch đầu tư sớm, đồng bộ để Thành cổ Vinh phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử. Nhân dân phường Cửa Nam nói chung, hàng trăm hộ dân trong Thành cổ nói riêng, mong mỏi Thành cổ sẽ sớm là địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử đồng bộ, bài bản, điểm nhấn lớn của TP Vinh. Người dân trong Thành cổ sẽ thoát được cảnh cuộc sống nhà cửa tạm bợ, thiếu thốn mà chưa thể củng cố.

Đến nay, thực tế, trong Thành cổ mới chỉ được xây dựng vận hành tạm thời Phố ẩm thực về đêm. Gọi là khu phố nhưng thực tế mới chỉ có khoảng 27 ki ốt, trong đó có chủ yếu là các ki ốt di động, chưa thực sự bố trí bài bản. Về đêm, đây là điểm đến ăn uống cho người dân và du khách, phục vụ gần như xuyên đêm. Nơi đây đã trở thành điểm ăn đêm khá nổi tiếng từ xưa tới nay ở TP Vinh.

Chi tiết Quy hoạch mới của Thành cổ Vinh được phê duyệt. 
Chi tiết Quy hoạch mới của Thành cổ Vinh được phê duyệt. 

"Theo dự toán mà chúng tôi xây dựng sơ bộ cho thấy, để làm tốt việc cải tạo, tu bổ, nâng cấp, phát huy các giá trị vốn có của Thành cổ Vinh thì tổng chi phí ước lượng khoảng 500 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ nguồn thu tại chỗ đạt mức 350 tỷ, còn lại vốn ngân sách...Mong rằng, Thành cổ Vinh sẽ sớm được đầu tư, tôn tạo để phát huy tiềm năng vốn có về lâu dài trong tương lai, mang lại nhiều lợi ích lớn bền vững...", Chủ tịch UBND phường Cửa Nam bày tỏ.

Trong nội dung phê duyệt quyết định điều chỉnh lần này, nêu rõ tính chất, chức năng là Khu bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử Thành cổ Vinh kết hợp du lịch di sản đô thị, thương mại dịch vụ, thể dục thể thao và là nơi cư trú của một bộ phận dân cư kết hợp thương mại dịch vụ; có quy mô diện tích khoảng 39,75ha (được giới hạn bởi hào thành cổ).

Cơ cấu phân khu chức năng và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, gồm: khu văn hóa, lịch sử bao với 9 di tích đã được xếp hạng theo Quyết định số 95/QĐ-BVHTT ngày 24/01/1998 của Bộ Văn hóa và Thể thao (giữ nguyên tại các vị trí hiện có và khôi phục lại); khu cây xanh, thể dục thể thao, bao gồm 4 vị trí khu cây xanh với tổng diện tích 15.667,69 m2;

Khu thương mại dịch vụ gắn với du lịch gồm 2 vị trí, tổng diện tích đất 10.839,32m2, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao từ 1-2 tầng; khu nhà ở, bao gồm nhà ở hiện hữu và nhà ở mới (tái định cư) với tổng diện tích đất 110.914,58m2; bố trí 6 bãi đậu xe phục vụ nhu cầu thăm quan, du lịch, thương mại - dịch vụ...