Nghề báo: Cá chép hóa rồng

Phạm Quốc Toàn - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điển tích “cá chép hóa rồng”, theo giai thoại có nhiều cách kể khác nhau, nhưng điểm cốt lõi vẫn là: Khi trời đất mới hình thành, trời làm ra mưa gió. Sau này, trời giao cho con vật trên trời là rồng phun nước làm mưa. Rằng, có một cửa biển rồng, ở đó có một Vũ Môn, bất kỳ chú cá chép nào nếu vượt qua được Vũ Môn đều có thể hóa rồng.

Phù điêu “Cá chép hóa rồng”, quà tặng nhà báo Phan Quang từ thầy và trò trường Tiểu học và THCS xã Sản Sả Hồ.
Rất nhiều chú cá chép đã thử sức, nhưng tất cả đều trầy vi tróc vảy, không chú cá chép nào vượt được Vũ Môn. Cá chép kéo nhau đi kiện Long Vương, xin hạ Vũ Môn thấp xuống. Chiều lòng cá chép, Long Vương cho hạ thấp Vũ Môn, cá chép vượt Vũ Môn dễ dàng, tự cho tất cả đều hóa rồng!
Rốt cuộc rồng và cá chép y chang, chẳng khác gì nhau. Cá chép tức giận lại kiện tiếp Long Vương. Long Vương cười thật to mà bảo rằng:
- Đó là Vũ Môn giả. Bọn ngươi thay vì nỗ lực, cố gắng thì lại đến gặp ta kêu ca, nể tình nên ta làm phép thuật che đi Vũ Môn thật và dựng lên Vũ Môn giả cho bọn ngươi thỏa nguyện.
Long Vương tiếp lời, nói thẳng ra với cá chép:
- Các ngươi muốn hóa rồng thật sự thì chỉ có một cách duy nhất là hãy cố gắng luyện tập giỏi giang để vượt Vũ Môn thật. Lúc đó ai thật sự rồng, ai chỉ là cá chép, dễ dàng nhận ra. Những chú cá chép phấn đấu vượt qua Vũ Môn, hóa được rồng bay lượn trên mây, lao xuống biển sâu vẫy vùng thỏa thích, thần thông biến hóa, kêu mưa gọi gió, mang đến mùa màng tốt tươi cho muôn người!
*****
Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), thầy và trò trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Sản Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang gửi về Hà Nội phẩm vật quý vô giá “Cá chép hóa rồng” tặng nhà báo lão thành Phan Quang - cây đại thụ của báo chí nước nhà. Tấm phù điêu “Cá chép hóa rồng” được chạm bằng gốc cây gỗ quý - tác phẩm mỹ thuật dưới dạng sản phẩm dân dụng cổ truyền Việt.
Tôi điện thoại chúc mừng nhà báo Phan Quang nhận món quà quý:
- Thưa bác, Sản Sả Hồ là vùng cao, nơi cư ngụ của số đông đồng bào Mông. “Cá chép hóa rồng”, tặng phẩm nhân ngày báo chí thật ý nghĩa.
Nhà báo Phan Quang, vào tuổi 91 vẫn đam mê trên từng con chữ mỗi ngày, giọng nói khúc chiết, nồng ấm, hào sảng mà khiêm nhường:
- Tình cảm của thầy trò trường học vùng cao dành cho tôi cũng chính là vinh dự dành cho báo giới, nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam!
Các em học sinh trường Tiểu học và THCS xã Sản Sả Hồ sinh hoạt trong ngôi trường bán trú, do nhà báo Phan Quang tặng năm 2018.
Nhà báo Phan Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông Tin; nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, dịch giả ít có ai sánh kịp truyện cổ A-rập “Ngàn lẻ một đêm” nổi tiếng và nhiều tác phẩm văn học nước ngoài khác từ hơn nửa thế kỷ nay. Phan Quang là nhà báo, nhà văn tài năng, thông tuệ, nhà nghiên cứu và quản lý báo chí dày dạn kinh nghiệm, nhà hoạt động xã hội uy tín.
Năm 2018, nhà báo Phan Quang trích từ số tiền tiết kiệm được trước ngày nghỉ hưu giúp xã Sản Sả Hồ xây dựng ngôi trường Tiểu học và THCS bán trú với 2 tầng lầu, 440m2 (kế hoạch lúc đầu là 380m2), sau do địa phương đóng góp thêm để mở rộng diện tích ngôi trường; xây thêm một nhà vệ sinh cho các em; tặng các em 395 áo ấm, 195 chăn ấm, 195 đệm trải giường, 95 màn phòng muỗi, 1.900 bản sách giáo khoa và sách thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi các em (Nhà xuất bản Kim Đồng chọn giúp đầu sách). Trong số 1.900 đầu sách, nhà báo Phan Quang và gia đình tặng 1.700 bản, Nhà xuất bản Kim Đồng tặng 200 bản sách.
Tỏ lòng tri ân nhà báo Phan Quang, dịp này, thầy và trò Sản Sả Hồ tặng ông bức phù điêu “Cá chép hóa rồng” với lời hứa: Các thế hệ học trò Sản Sả Hồ sẽ không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để vượt Vũ Môn hóa rồng - trở thành những công dân có ích cho đất nước. Với các nhà báo, “Cá chép hóa rồng” cũng là sự bày tỏ quyết tâm phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua mọi giông bão và cám dỗ, luôn trui rèn cho “Bút sắc - Lòng trong - Tâm sáng”!
Thư cảm ơn gửi nhà trường Sản Sả Hồ, nhà báo Phan Quang đề ngày 10/6/2019 viết: “Tôi ước mong và tin tưởng rồi đây, không ít học sinh trường Tiểu học và THCS xã Sản Sả Hồ được sự dạy bảo và chăm sóc hết lòng của các thầy cô giáo, sẽ kế tiếp nhau vượt qua sóng Vũ Môn, thành đạt và có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước Việt Nam”.
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi ghi lại đôi dòng chuyện “Cá chép hóa rồng” và kỷ vật quý từ mái trường tuổi thơ của các em xã Sản Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì, nơi địa đầu biên giới phía Bắc, vùng “phên dậu” biên cương Tổ quốc mừng nhà báo Phan Quang, mừng báo chí cả nước - đẹp biết nhường nào!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần