Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những giá trị truyền thống mang tính văn hóa sâu sắc, Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày 19/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ phối hợp cùng với UBND quận Thốt Nốt tổ chức Lễ công bố quyết định Di sản văn hoá phi vật thể Nghề thủ công truyền thống Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng.

Ông Nguyễn Trung Nhân - UV BTV Thành ủy, Chủ tịch UB MTTQVN TP Cần Thơ và ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao quyết định, giấy chứng nhận cho đại diện UBND quận Thốt Nốt.
Ông Nguyễn Trung Nhân - UV BTV Thành ủy, Chủ tịch UB MTTQVN TP Cần Thơ và ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao quyết định, giấy chứng nhận cho đại diện UBND quận Thốt Nốt.

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là một nghề thủ công truyền thống, hình thành từ giữa thế kỷ XIX và được trao truyền tiếp nối qua nhiều thế hệ. Trải qua thời gian tồn tại và phát triển với bao thăng trầm, nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng vẫn còn lưu giữ những giá trị truyền thống mang tính văn hóa sâu sắc được kết tinh từ những thành quả lao động và sáng tạo của những người dân nơi đây, cho ra thị trường nhiều sản phẩm bánh tráng mang hương vị đặc trưng của vùng đất Thuận Hưng.

Ngày 6/3/2023,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định số 478/QĐ-BVHTTDL, công bố đưa nghề thủ công truyền thống Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các em học sinh tham quan Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng.
Các em học sinh tham quan Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng.

Đây là một niềm vui cho bà con làm nghề và cho địa phương, đồng thời đây cũng là cơ sở quan trọng để địa phương nghiên cứu đề xuất định hướng biện pháp bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, quảng bá giới thiệu các sản phẩm của làng nghề nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan tại làng nghề. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động địa phương và đưa hương vị bánh tráng Thuận Hưng vươn xa.

Hiện, phường có 4/4 khu vực của phường có người làm nghề bánh tráng, tập trung nhiều nhất là khu vực Tân An và Tân Phú. Tổng số có 58 hộ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống thường xuyên liên tục với khoảng 250 người thực hành.

Bên cạnh đó, có khoảng 30 lò truyền thống chờ đến dịp Tết mới sản xuất. Trong đó, có 03 hộ đầu tư sản xuất tráng bánh bằng máy, trong đó có 1 lò tráng bánh nem vừa tráng và sấy khô bánh tự động. Hiện nay, đã có 2 sản phẩm bánh tráng Thuận Hưng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Theo bà Lê Thị Thúy Hằng – Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành đoàn thể nâng cao nhận thức, từng bước duy trì và bảo tồn làng nghề. Cụ thể, hỗ trợ bà con làng nghề được vay vốn sản xuất với số tiền 600 triệu đồng, hướng dẫn hộ dân tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; gắn kết phát triển du lịch, tham quan, trải nghiệm làm bánh tại làng nghề; hoàn thiện bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ cho 01 hộ làng nghề.

Đồng thời, phối hợp Sở Khoa học công nghệ TP thực hiện nhiệm vụ khoa học xây dựng quản lý và phát triển thương hiệu Bánh tráng Thuận Hưng (kinh phí dự kiến 800 triệu đồng).

Đại diện các hộ dân làm nghề, bà Nguyễn Thị Thanh Cảnh (khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) chia sẻ: Chúng tôi mong muốn bánh tráng Thuận Hưng luôn có thị trường ổn định, để nghề làm bánh tráng nơi đây vẫn đang được duy trì và phát triển, tạo sinh kế cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương nói chung và việc gìn giữ nghề thủ công truyền thống nói riêng. 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị Đảng bộ, chính quyền quận Thốt Nốt làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích cũng như di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này; luôn quan tâm tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ bà con xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng gần xa.

"Hãy chung tay, nâng cao hơn nữa vai trò của mình, với lòng yêu quê hương, bằng năng lực hiện có để giữ gìn và phát huy nghề thủ công truyền thống nghề làm bánh tráng, xứng đáng là một nghề thủ công truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển hơn trăm năm. Đồng thời, thực hiện tốt mục tiêu phát triển quận Thốt Nốt, trong đó chú trọng lĩnh vực phát huy du lịch gắn với phát huy di tích, di sản văn hóa, tạo thêm sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc trưng của thành phố.", Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.

 

Hiện TP Cần Thơ có 38 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, 06 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng quận Thốt Nốt có 01 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 05 di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố và 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.