Nghề mới của bạn trẻ yêu động vật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngô Thị Hồng Nam (trường ĐH Luật Hà Nội) và Quang Huy xuất phát từ niềm yêu thích đối với chó, mèo nên đã mở dịch vụ này tại nhà, bắt đầu từ việc nhập từ Thái Lan về và bán.

Dịch vụ chăm sóc thú cưng tưởng như chỉ thấy trên những bộ phim nước ngoài thì hiện nay, đây là loại hình kinh doanh triển vọng được giới trẻ hào hứng thử sức.

Những ý tưởng xuất phát từ tình yêu động vật

Ngô Thị Hồng Nam (trường ĐH Luật Hà Nội) và Quang Huy xuất phát từ niềm yêu thích đối với chó, mèo nên đã mở dịch vụ này tại nhà, bắt đầu từ việc nhập từ Thái Lan về và bán.

Nam chia sẻ: “Kinh doanh loại hình này khó vì phải biết chăm sóc và am hiểu bệnh tật, đặc thù sinh hoạt của con vật. Trong khi đó, nhu cầu của khách hàng ở trong nước ngày càng gia tăng nên chúng mình tin rằng nếu thực sự có tâm huyết và đầu tư thì sẽ thành công”.

Thời gian đầu, ý tưởng này đã bị bố mẹ Nam phản đối gay gắt vì sợ con gái ảnh hưởng đến học tập và… mất vệ sinh. Nhưng với tình yêu động vật, cả hai đã thuyết phục được phụ huynh, với lời hứa phải đạt kết quả học tập như yêu cầu.
Loại hình chăm sóc động vật cũng được bạn trẻ dần chú ý.
Loại hình chăm sóc động vật cũng được bạn trẻ dần chú ý.
Hai bạn trong quá trình nuôi dưỡng các con vật cưng nên đã hình thành được những kiến thức chăm sóc cần thiết và tìm hiểu thêm các thông tin trên mạng.

Bởi vậy, các bạn đã sắm thêm rất nhiều vật dụng: bồn tắm, mũ chụp tắm rửa để không bị lọt nước vào tai và mắt, vành đeo cổ, khăn tắm siêu thấm, máy sưởi chuyên dụng... Bên cạnh đó, shop của Nam cũng bán thêm một số phụ kiện quần áo, giày tất, dây xích... của thú cưng.

Nam cho biết tắm cho chó, mèo gặp khá nhiều khó khăn vì không chịu đứng yên nên phải ra sức vuốt ve. Tắm cho mèo khó hơn vì đây là loài vật vốn sợ nước nên bị cào là việc không thể tránh khỏi.

“Bên cạnh đó, chúng mình cảm thấy hơi vất vả vì tốn thời gian và mất vệ sinh nhưng dần dần cũng quen. Khi cả hai đi học thì người nhà trông giúp chứ không thuê người vì sợ họ không quen và thiếu tận tình.

Mình nhớ nhất những lúc cún, mèo bị ốm. Không chỉ tốn thuốc men, công sức mà trong lòng cảm thấy rất xót xa. Mình cứ nghĩ bản thân bị đứt tay đã đau lắm rồi mà chúng bị ốm như vậy thì thương lắm”, Nam nói.

Thu Sương, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết cửa hàng được mở từ cuối năm 2011. Bạn chia sẻ: “Do thị trường kinh doanh loại hình này tại Việt Nam thời điểm đó khá nghèo nàn, hiếm hoi nên những người nuôi thú cưng như mình không có nhiều lựa chọn khi mua đồ, cả về chất lượng và mẫu mã.

Chính vì vậy, mình nảy ra ý tưởng mở pet shop vừa là để phục vụ cho thú cưng của mình, vừa là để đem đến những sản phẩm tốt, đa dạng hơn dành mọi người đang có nhu cầu tại Hà Nội”.

Hay Phương Ngọc (cựu SV trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cũng đang nhận chăm sóc cho thú cưng tại nhà: dắt chó đi dạo, đỡ đẻ cho chó mèo, cho ăn, tắm rửa, vệ sinh..., học hỏi kinh nghiệm từ thời gian làm việc trong một viện thú y.

Vì đã tốt nghiệp nên Ngọc bắt đầu công việc từ 7 - 18h với mức thù lao từ  3 - 6 triệu đồng/tháng và phải luôn đảm bảo cho chó, mèo của khách sạch sẽ, khỏe mạnh, không được vượt quá cân nặng cho phép nên phải khắt khe chế độ ăn uống.

Triển vọng từ loại hình dịch vụ mới

Tuy gặp nhiều thử thách nhưng chính các bạn trẻ đã cho thấy triển vọng từ loại hình dịch vụ đang còn khá mới ở Việt Nam này.
Nghề mới của bạn trẻ yêu động vật - Ảnh 1
Nam cho biết, quá trình hình thành thương hiệu để mọi người tin tưởng khá vất vả nhưng mang lại nhiều niềm vui. Khách hàng ban đầu cũng có nhiều nghi vấn đối với chất lượng của dịch vụ nên hai bạn đã tận dụng 2 hình thức truyền thông: facebook và truyền miệng nên số lượng khách ngày càng tăng.

Hiện nay, shop đã mở thêm dịch vụ spa cho cún như tắm, tỉa, nhuộm lông, cắt móng chân, trông giữ và cung cấp dịch vụ tư vấn chữa bệnh, tiêm phòng...cho chó, mèo.

 Theo Nam, bí quyết để có thể kinh doanh tốt chính là sự thương yêu thú cưng. Nhờ vậy, lượng khách của cửa hàng luôn đều đặn, những thời gian cao điểm có thể nhận chăm sóc từ 5 - 10 con/ngày, với mức giá tắm là 100.000 - 120.000 đồng/lần.

Với dịch vụ trông giữ chó thì tùy vào lượng thức ăn, thường là 50.000 - 80.000 đồng/ngày, dịp Tết tăng lên khoảng từ: 80.000 - 100.000 đồng/ngày. Khách hàng có thể gọi điện để biết tình hình vật nuôi của mình bất cứ lúc nào.

“Công việc này không chỉ mang lại cho mình niềm vui khi được tận tay chăm sóc các con vật mình yêu thích mà còn mang lại khoản thu nhập khá, thêm nhiều khách hàng thân thiết”, Nam bày tỏ.

Còn Sương, với nguyên tắc: “Từ nhỏ đến lớn - Chậm mà chắc”, ban đầu bạn không huy động nhiều vốn mà theo hình thức xoay vòng để mở rộng cửa hàng theo doanh thu, lợi nhuận từng quý.

Cũng chính vì phương châm làm việc như vậy mà Sương cũng gặp khó khăn khi thiếu vốn để đầu tư đủ mặt hàng nhằm thỏa mãn “gu” thẩm mĩ của khách.

“Mặc dù phải mất một thời gian để tìm hiểu thị trường, cũng như cân đối được các sản phẩm nhập về nhưng bù lại, mình được rèn luyện và có kinh nghiệm hơn trong việc nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng”, Sương nói.

Hiện tại, shop của Sương cung cấp 3 mảng dịch vụ chính cho chó, mèo: bán phụ kiện, đồ dùng, quần áo, sữa tắm; dịch vụ làm đẹp bao gồm tắm rửa, cắt tỉa lông, cắt móng và chụp ảnh kỷ niệm.

Giá cả của dịch vụ tùy vào cân nặng của con vật, lớp lông dày hay mỏng, dài hay ngắn, dao động ở mức 100.000 - 750.000 đồng. Ngoài ra, lượng khách đem chó, mèo đến tắm và spa làm đẹp cũng ngày càng tăng.

Sương cho biết do nhu cầu gửi thú cưng dịp Tết khá lớn, trong khi dịch vụ khách sạn nhận trông giữ thú cưng của shop mới triển khai nên sẽ giới hạn số lượng trông coi, nhằm đảm bảo chất lượng được tốt.

Bạn chia sẻ: “Theo học ngành kinh tế nên việc thử sức với dịch vụ này, ngoài thỏa mãn tình yêu động vật của bản thân, mình còn có cơ hội học hỏi, vận dụng và theo đuổi đam mê kinh doanh”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần