Nghề môi giới bất động sản: Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời gian qua, nhiều cá nhân và sàn môi giới BĐS bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng vì hành vi tổ chức bán hàng không đúng quy định. Vì vậy, việc nâng tầm cho đội ngũ môi giới BĐS trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.

Mặt trái của nghề

Câu chuyện về Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương, địa chỉ tại thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) dàn dựng cảnh dựng rạp rồi cho nhân viên môi giới chạy ngược chạy xuôi, chốt bán đất nền như “trẩy hội” vào cuối tháng 2 vừa qua dẫu chỉ là điển hình ở một địa phương nhưng gần như đã lột tả hết những hạn chế của nghề môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam.

Nhân viên môi giới bất động sản giới thiệu đến khách hàng một dự án nhà ở tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên môi giới bất động sản giới thiệu đến khách hàng một dự án nhà ở tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ngay sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc, xử phạt hành chính với số tiền 100 triệu đồng đối với công ty này vì kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đồng thời vừa là nhà môi giới, vừa thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS.

Từ đầu năm đến nay, bên cạnh những vi phạm ở các sàn môi giới, cũng không ít cá nhân làm nghề môi giới BĐS rơi vào vòng lao lý. Đơn cử, vào đầu tháng 4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố vụ án, bắt tạm giam bị can Phạm Văn Tuấn (SN 1999, trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Đối tượng này đã lợi dụng chiêu trò mua “đất lướt” rồi rao bán cho người khác, lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Hay trước đó vào cuối tháng 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cũng tiến hành bắt giữ đối tượng Trần Thị Thúy Liễu (SN 1985, ngụ Bình Dương) khi từ ngày 4/12/2020 - 22/10/2021, người này có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 20 người với tổng số tiền gần 85 tỷ đồng.

Trong vụ việc này, thông qua việc nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các nạn nhân giao dịch tới 1.916 lô đất nền tọa lạc tại thị trấn Dầu Tiếng và các xã Định Thành, Định An, Định Hiệp thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Trên thực tế, bên cạnh những người làm môi giới theo kiểu tự do, rất nhiều người được đào tạo bài bản, cơ quan quản lý Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề nhưng trong quá trình làm việc cũng gặp khó khăn.

Chị Hoàng Linh Thảo, làm việc cho một DN kinh doanh BĐS tại TP Đà Nẵng chia sẻ, là phụ nữ nhưng có ngày chị phải chạy xe máy tới hàng trăm ki lô mét dẫn khách đi xem đất, chốt giao dịch... Ngoài chi phí đi lại, chị còn phải chi thêm tiền quảng cáo, marketing... để bán hàng.

“Tuy nhiên không phải cứ đi xem nhà đất là khách chốt mua ngay. Có người mua, người không, nếu khách không mua thì những chi phí phục vụ coi như mất hết. Đôi khi, môi giới nữ như tôi còn gặp khách hàng nam không chuẩn mực, đi xem đất thì ít mà tán tỉnh, gạ gẫm việc tế nhị thì nhiều. Đen đủi hơn nữa, khi bán được sản phẩm rồi nhưng tiền hoa hồng thì công ty chậm trả hoặc bị cắt xén, thậm chí bị quỵt luôn” - chị Thảo chia sẻ.

Nâng cao ý thức nghề nghiệp

Thời gian gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra các tỉnh, thành trên cả nước đã khởi tố, bắt giam hàng chục cá nhân, DN làm nghề kinh doanh môi giới BĐS vi phạm nhưng thực tế đấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi vậy, có thể thấy, nghề môi giới BĐS ở Việt Nam thực sự chưa bước lên tầm chuyên nghiệp. Thực trạng này một phần do những quy định của luật chưa thực sự chặt chẽ.

Cụ thể, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định, khi hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ nhưng không cần phải qua đào tạo nên 90% người làm nghề không có kiến thức căn bản. Đặc biệt là ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và thị trường của môi giới BĐS rất thấp.

“Thực trạng đó dẫn đến hiện nay, chỉ khoảng 10% số môi giới BĐS sản có chứng chỉ hành nghề. Ngay cả môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định thì trình độ, năng lực cũng chỉ đạt để tổ chức bán hàng.

Nhân viên môi giới BĐS Việt Nam đạt trình độ theo chuẩn quốc tế ước khoảng 10%. Việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ cũng rất yếu và thiếu, một số địa phương không quan tâm, một số tổ chức cũng chỉ làm cho có” - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.

Bên cạnh đó, rất nhiều sàn giao dịch BĐS khi hoạt động không tuân thủ quy định phải đăng ký, báo cáo với cơ quan quản lý địa phương nên trở thành đối tượng chính tạo ra sốt đất, lũng đoạn thị trường nhà đất. Nhiều môi giới còn tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng thông qua hình thức quảng cáo, đưa thông tin thất thiệt.

“Thời gian qua, những người làm môi giới BĐS góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nếu như trước đây, người làm môi giới thường bị gọi với cái tên miệt thị là “con buôn” thì đến nay đã được nâng tầm, có ngày truyền thống riêng của mình (Ngày truyền thống của nghề môi giới BĐS 29/6 - PV), thực sự trở thành một tổ chức nghề nghiệp chính thống. Vì vậy, đã là một nghề thì phải có đạo đức nghề nghiệp” - luật sư Trịnh Hữu Đức, Hội Luật gia Việt Nam nhìn nhận.

Nhằm ngăn chặn vi phạm trong hoạt động môi giới kinh doanh BĐS, cuối tháng 1/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/NĐ-CP, quy định rõ về điều kiện hoạt động cũng như mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, DN hoạt động môi giới. Nhưng nhìn chung, các chuyên gia cho rằng vẫn cần điều chỉnh Luật Kinh doanh BĐS theo đúng hướng.

Cụ thể, bắt buộc người hành nghề phải qua đào tạo và được cấp chứng chỉ, bổ sung quy tắc đạo đức, văn hóa ứng xử nghề môi giới BĐS vào chương trình đào tạo để thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề. B

ên cạnh đó, sàn giao dịch BĐS ngoài việc đăng ký đầy đủ thông tin phải đủ điều kiện tài chính, được cơ quan quản lý Nhà nước thẩm tra, thẩm định chặt chẽ trước khi tham gia thị trường.

Ngoài ra cần quản lý quy hoạch, dự án, sản phẩm và người môi giới BĐS bằng công nghệ số... có như vậy thì những người làm môi giới mới trở thành chỗ dựa vững chắc cho khách hàng, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững cho thị trường BĐS.

 

"Tôi rất đồng tình, ủng hộ những quy định về điều kiện hoạt động và mức xử phạt đối với hoạt động kinh doanh môi giới BĐS tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP, sẽ giúp loại bỏ những cá nhân, DN môi giới BĐS làm bừa, làm ẩu, cố tình vi phạm pháp luật. Đồng thời cũng là điều kiện để DN hoạt động chân chính nâng cao trách nhiệm của mình đối với khách hàng và xã hội." - Tổng Giám đốc Đông Dương Land Lò Thị Dung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần