Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ nhân biến lá sen thành những bức tranh độc đáo

Lâm Thơ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ với những lá sen vốn không nhiều giá trị, nghệ nhân Lê Văn Nghĩa (65 tuổi, tên thường gọi Bảy Nghĩa, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã tạo nên những bức tranh độc đáo.

Đam mê không bao giờ là muộn

Ông Bảy Nghĩa kể, gia đình ông vốn theo nghề mộc nhưng ngay từ nhỏ đã yêu thích hội họa. Đến năm 1982, ông đi bộ đội ở tỉnh đội Đồng Tháp. Tại đây, đơn vị giao cho ông nhiệm vụ vẽ chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ... Nhờ đó, tay nghề vẽ tranh chân dung ông "thạo" từ đó.

Theo ông Nghĩa, việc chọn lá sen rất quan trọng, chỉ những lá già mới đủ chất lượng làm tranh.  Lá sen cắt xong được phơi nắng, phơi sương nhiều ngày, khi thấy độ khô vừa đủ thì mang vào nhà phân loại theo màu sắc của lá sen.
Theo ông Nghĩa, việc chọn lá sen rất quan trọng, chỉ những lá già mới đủ chất lượng làm tranh.  Lá sen cắt xong được phơi nắng, phơi sương nhiều ngày, khi thấy độ khô vừa đủ thì mang vào nhà phân loại theo màu sắc của lá sen.

Xuất ngũ, ông Nghĩa về quê theo cha làm nghề mộc. Thời gian này, đam mê hội họa đã thôi thúc ông nghiên cứu, tạo ra những tác phẩm tranh từ vỏ tràm.

Ông Nghĩa nói: "Chưa từng theo học trường lớp mỹ thuật nào, nhưng bằng niềm đam mê và vốn kiến thức về hội họa tự học, tôi quyết định thử sức với những bức tranh vỏ tràm. Ban đầu, tôi làm tranh phong cảnh, tranh chân dung, nhưng cuối cùng làm tranh chân dung là thể loại mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất."

Năm 2015, vợ ông mất, các con cũng đã ăn học trưởng thành, không còn gánh nặng gia đình, ông Nghĩa lần đầu được sống cùng đam mê của mình dù khi đã nghỉ hưu. Với ông, "bắt đầu sống với đam mê không bao giờ là muộn cả".

Thấy làm tranh từ vỏ tràm không mang lại nhiều giá trị nghệ nhân già bắt đầu tìm và thử với những chất liệu khác và bén duyên với lá sen. Ông Nghĩa chia sẻ: "Khi biết lá sen cũng có những phẩm chất để làm ra tranh, tôi vui lắm. Hơn nữa, nói đến sen, chúng ta nhớ đến Bác, sen cũng là biểu tượng của Đồng Tháp, vì thế tranh từ sen sẽ vô cùng ý nghĩa."

Theo ông Bảy Nghĩa, cái khó thật sự tạo nên tác phẩm độc đáo nằm ở việc thể hiện thần thái bức chân dung sao cho chân thực, có hồn. 
Theo ông Bảy Nghĩa, cái khó thật sự tạo nên tác phẩm độc đáo nằm ở việc thể hiện thần thái bức chân dung sao cho chân thực, có hồn. 

Nghề lắm kỳ công

Thế là, ông Bảy Nghĩa thử sức với việc tìm sen phơi khô để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nguyên liệu làm tranh sen cũng được ông tuyển lựa rất kỹ lưỡng. Ông sử dụng lá khô tự nhiên đem về vò để lấy gân lá và vụn lá.

Song, điểm đặc biệt của loại tranh này là không thể phác thảo, vì khi đã dán gân của lá sen lên thì không thể lấy ra được. Vì vậy, ông Bảy Nghĩa phải nghiên cứu kỹ từng chi tiết nhằm tạo ra bức tranh hoàn hảo nhất.

"Lá sen rất "đỏng đảnh" lắm, phơi quá nắng sẽ dòn, rách vỡ, phơi thiếu nắng lại mốc, khó kiểm soát màu, khó kết dính. Tôi phải thử rất nhiều lần mới ra được công thức phơi nắng, phơi sương bao nhiêu ngày để lá khô, dẻo và màu sắc ưng ý." - ông Nghĩa bày tỏ.

Nghệ nhân Bảy Nghĩa bên bức chân dung Bác Hồ làm từ lá sen.
Nghệ nhân Bảy Nghĩa bên bức chân dung Bác Hồ làm từ lá sen.

Từ lá sen, ông sáng tạo ra 4 loại tranh cơ bản: tranh từ các mảng lá sen, từ gân sen, từ các vụn của lá sen và từ bụi sen. Hiện, ông Nghĩa đang mua 3.000 đồng/lá từ người dân, cao hơn cả giá gương sen ở địa phương. Mỗi tác phẩm, ông Nghĩa mất khoảng 4 -5 ngày để hoàn thiện. 

Bức tranh lá sen đầu tiên ông làm là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với khoảng thời gian đi bộ đội, được đơn vị giao cho vẽ chân dung nhiều nên đối với ông hình ảnh Bác Hồ là hình ảnh đã khắc cốt ghi tâm. 

"Điều quan trọng là làm cho người xem tranh Bác Hồ, ai cũng thấy được sự trìu mến, bao dung của Bác với vầng trán cao, đôi mắt sáng, nụ cười hiền.", ông Nghĩa nói về độ khó khi làm tranh chân dung Bác.

Kể từ khi bức tranh đầu tiên họa Bác được nhiều người biết đến, ông Nghĩa dần nổi tiếng khắp cả nước. 

Nghệ nhân già chia sẻ, từ năm 2017 tới nay, ông Bảy Nghĩa đã có hơn 500 tác phẩm nghệ thuật từ sen. Hiện, ông nhận làm tranh chân dung qua ứng dụng trò chuyện trên mạng xã hội, trao đổi online với khách rồi giao hàng qua đường bưu điện. Kể từ khi nổi tiếng, ngày nào ông cũng bận, lượng tranh khách đã đặt phải đến tháng 2/2025 mới hoàn thành hết.