Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ nhân, hoạ sĩ “bắt trend” năm mới Giáp Thìn

Minh An - Duy Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, nhiều nghệ nhân, hoạ sĩ tại các làng nghề truyền thống đã sáng tạo những mẫu thiết kế lấy ý tưởng từ rồng độc đáo. Không chỉ gửi gắm các thông điệp về văn hoá, những tạo tác bằng gốm, sơn mài… dát vàng còn có giá trị cao về kinh tế.

Rồng dát vàng lên ngôi

Chào đón năm Giáp Thìn, hoạ sĩ – nhà điêu khắc Vũ Dũng (Hà Nội) đã tạo nên một kiệt tác nghệ thuật độc đáo mang tên "Hí Long Vân” – dáng rồng ngậm ngọc cuộn tròn ẩn mình trong mây. Để tạo nên tác phẩm có sự kết hợp giữa ngôn ngữ tạo hình truyền thống và đương đại, ông đã lựa chọn những đặc điểm độc đáo của Rồng Việt thời Lý, với ứng dụng tạo hình đao lửa truyền thống, kỳ vọng tạo nên một linh vật với đường nét và hình thể thực sự đậm chất Việt Nam.

Nhà điêu khắc - Hoạ sĩ Vũ Dũng (TP Hà Nội) đã tạo ra linh vật "Hí Long Vân" bằng nguyên liệu đặc biệt phủ sơn mài và vàng 24K.
Nhà điêu khắc - Hoạ sĩ Vũ Dũng (TP Hà Nội) đã tạo ra linh vật "Hí Long Vân" bằng nguyên liệu đặc biệt phủ sơn mài và vàng 24K.

Hoạ sĩ - nhà điêu khắc Vũ Dũng cho biết, đây là hình tượng của một tàng long kiên định, hiểu mình hiểu thời, chờ đúng vận hội mà không hề kiêu ngạo. Khi chiêm ngưỡng có thể dễ dàng nhận thấy dáng bay hướng thiên của "Hí Long Vân", không chỉ là sự hướng về tương lai mà còn là cơ hội hiện thực hóa những mục tiêu sau đại dịch. Mây cuốn xung quanh rồng chỉ thiên thời, thời điểm thuận lợi, là một bước đệm vững chãi để vươn lên, thể hiện khát khao của con người và những nỗ lực không ngừng để đạt được thành công.

Dát vàng 24k, người thợ phải có nhiều năm kinh nghiệm và tay nghề cao.
Dát vàng 24k, người thợ phải có nhiều năm kinh nghiệm và tay nghề cao.

Từ khúc gỗ thô sơ, qua bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành những linh vật rồng với nhiều chi tiết tinh xảo. Đặc biệt, với sản phẩm linh vật rồng ngậm ngọc cuộn tròn ẩn mình trong mây dát vàng 24k thì người thợ phải có nhiều năm kinh nghiệm và tay nghề cao. Sau khi hoàn thiện, những tác phẩm rồng sơn mài có giá từ 3-6 triệu đồng, rồng dát vàng dao động từ 12-20 triệu đồng.

Tương tự, khi đến làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), phóng viên KT&ĐT chứng kiến nhiều xưởng sản xuất đang chế tác các sản phẩm lấy cảm hứng từ hình tượng rồng. Trong đó, khu xưởng nhỏ của ông Phạm Việt Khoa đang chế tác sản phẩm lấy cảm hứng từ ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - một bảo vật vô giá của Việt Nam - và tạo hình lấy cảm hứng từ rồng thời Lê đang được ngự tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long.

Ông Phạm Việt Khoa đang chế tác sản phẩm lấy cảm hứng từ hình tượng rồng. Ảnh: Thế Đại 
Ông Phạm Việt Khoa đang chế tác sản phẩm lấy cảm hứng từ hình tượng rồng. Ảnh: Thế Đại 

Theo ông Phạm Việt Khoa, muốn chế tạo một chiếc ấn hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Người thợ phải tạo hình ấn Rồng từ đất sét. Đây được coi là khâu đòi hỏi sự tỉ mỉ cẩn thận khi từng nét chạm khắc phải thật chuẩn xác. Sau đó chiếc ấn sẽ được đem đi nung, vẽ vàng. Người thợ thủ công sẽ sử dụng vàng pha dạng lỏng đi từng đường nét trên sản phẩm rồng, sau đó sẽ tiếp tục nung từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ nữa để có được độ nổi bật, sang trọng.

Sản phẩm "Ấn vàng" sau khi hoàn thiện. Ảnh: Thế Đại
Sản phẩm "Ấn vàng" sau khi hoàn thiện. Ảnh: Thế Đại

Một sản phẩm ấn Rồng hoàn thiện, trên 3 mặt sản phẩm có 3 chữ An -Thuận - Phát, mặt còn lại được điêu khắc cảnh cá chép hóa rồng thể hiện sự lột xác, vượt trội, chuyển sang một giai đoạn mới. Những chiếc ấn được đặt tên là Kỳ Linh Giáp Thìn 2024 và nằm trong một bộ sưu tập sản phẩm mang tên "Dấu ấn rồng thiêng". 

Quảng bá văn hoá truyền thống

Năm nay nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây) lại tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm mang hình tượng rồng, gắn với văn hóa người Việt Nam theo truyền thuyết “Con rồng cháu Tiên”.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: "Nếu như năm 2023 tác phẩm là những chú mèo độc bản đa dạng về thể loại, màu sắc, thì năm nay tôi có thực hiện bộ sưu tập một nghìn tạo tác rồng tiên, hình tượng rồng được tôi gắn chặt với hình tượng  - đây cũng là tình yêu gắn với văn hóa người Việt theo truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên".

Ghế rồng trong bộ sưu tập của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.
Ghế rồng trong bộ sưu tập của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.

Đặc biệt, trong bộ sưu tập lần này, hình tượng rồng được tôi thể hiện xuyên suốt là hình tượng rồng thời Lý”. Với sự độc đáo trong việc chế tác sản phẩm, xưởng điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát gần đây đã trở thành một địa điểm thu hút số đông du khách trong hành trình khám phá các sản phẩm nổi tiếng của Xứ Đoài. Qua đó, đã góp phần phát triển mạnh mẽ vào du lịch của làng cổ Đường Lâm.

Cùng chung không khí chào đón năm mới Giáp Thìn, nhằm giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền, từ ngày 26/1 đến hết 1/2, Hội Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong khuôn khổ Hội Xuân sẽ diễn ra triển lãm “Vũ điệu Bách Long”, trưng bày 100 tác phẩm độc bản thể hiện linh vật rồng.

Triển lãm trưng bày Rồng đắp phù điêu trên các dáng độc bình khác nhau với nhiều kích cỡ khổ lớn, các tác phẩm “Rồng hóa” bằng cách điệu bốn loại cây và hoa như tùng, cúc, trúc, mai qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, và điêu khắc rồng mang các thông điệp ý nghĩa thể hiện khát vọng bình yên. Triển lãm do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp Sở VH&TT TP Hải Phòng, Hiệp hội UNESCO Hà Nội và NNƯT Phạm Văn Tuyên thực hiện.

Cũng trong khuôn khổ Hội Xuân Giáp Thìn, triển lãm tranh “Hóa rồng” giới thiệu hình ảnh rồng trong tranh và áo dài Việt Nam qua bộ sưu tập tranh vẽ chủ đề rồng trên chất liệu mo cau nhiều nhất Việt Nam của họa sĩ Hoàng Trúc, trưng bày các tác phẩm tranh vẽ về rồng của các họa sĩ trong quá khứ và hiện tại. Triển lãm cũng giới thiệu hình ảnh rồng trên áo dài Việt Nam xưa và nay.