Nghệ nhân kim hoàn Nguyễn Ngọc Khuông: Mong lớp trẻ giữ nghề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông là người làng Đại Bái, cha truyền con nối trọn đời với nghề khảm bạc.

KTĐT - Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông là người làng Đại Bái, cha truyền con nối trọn đời với nghề khảm bạc.

Ông từng làm Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn Hà Nội và đạt được rất nhiều giải thưởng như: Danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2003; được Nhà nước tặng danh hiệu: Bàn tay vàng năm 1990; Huy chương vàng tại Hội chợ Quốc tế năm 1994... Ông còn tham gia khá nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng tình yêu đối với nghề chạm bạc trong ông chưa bao giờ nguôi.

 

- Trong làng nghề Đại Bái, cha ông là cố nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuê được giới thợ suy tôn là nghệ nhân bậc nhất. Cụ Khuê chính là tác giả của thanh kiếm được chạm khắc bộ tứ linh hiện đã được cung tiến thờ thần hoàng làng nghề kim hoàn. Những thành công của cha ông có phải là động lực để ông nối nghề?


Ngay từ khi còn bé, ngày nào tôi cũng được xem cha tôi và các chú trong dòng họ chạm bạc. Những sản phẩm chạm bạc đã cuốn hút tôi khiến tôi mày mò học hỏi để làm nghề. Năm 15 tuổi, tôi đã tự tay làm được sản phẩm chạm bạc đầu tiên. Năm 1948, tôi rời quê xuống Hà Nội theo học nghệ nhân Phạm Văn Khôi. Sau 9 tháng, tôi bắt đầu xây dựng cơ sở cho riêng mình.


- Xin ông cho biết những sản phẩm của gia đình ông sản xuất có gì khác so với những sản phẩm chạm bạc của gia đình khác?


Điểm khác giữa sản phẩm của gia đình tôi với những gia đình khác tại Hà Nội đó là tôi xuất thân từ làng nghề chạm bạc ở Đại Bái (Bắc Ninh), nơi mà những người thợ có thể tạo hình sản phẩm từ một khối kim loại (còn những nơi khác để làm được một sản phẩm, người thợ phải chắp vá từ những mảnh kim loại nhỏ). Hầu hết các sản phẩm gia đình tôi làm đều do khách hàng mang đến và yêu cầu như bộ ly cốc uống cà phê, bộ bát đũa, đồ trang sức, bình lọ... đủ cả. Những sản phẩm chạm bạc này rất đắt nên hầu hết khách hàng của tôi đều là người nước ngoài hoặc một số ít những người sành chơi đồ bạc.


- Là một người đã làm nghề trên 60 năm, xin ông cho biết những phẩm chất cần có ở một người thợ chạm bạc?


Người nghệ nhân có thể làm nghề chạm bạc trước tiên phải là người có trí tuệ, có tư duy, có mắt thẩm mỹ cùng với đôi bàn tay khéo léo. Bên cạnh đó, muốn trở thành người làm nghề chạm bạc, người nghệ nhân đó còn phải có đạo đức trong nghề bởi họ thường xuyên tiếp xúc với các nguyên liệu quý như vàng, bạc...


- Để hoàn thiện một sản phẩm chạm bạc thì khâu nào là khâu khó nhất, thưa ông?


Hầu hết các khâu trong quá trình chạm bạc đều khó và đòi hỏi sự chính xác cũng như sự tỷ mỷ của người thợ. Nhưng có thể nói, khâu khó nhất để sản phẩm làm hài lòng khách hàng là khâu gò tạo hình nghệ thuật liền khối. Đây là khâu tạo nên hình dáng của sản phẩm.


- Giờ tuổi đã cao, ông không còn làm nghề nữa nhưng vẫn làm cố vấn chuyên môn cho con trai ông và còn dạy nghề miễn phí cho một số em học sinh nghèo vượt khó. Tại sao ông lại thực hiện việc truyền dạy cho các em không phải người trong dòng họ?


Thứ nhất, hầu hết các cháu nhỏ đều có hoàn cảnh khó khăn, tôi muốn dạy cho các cháu để các cháu có một cái nghề tự nuôi sống bản thân. Thứ 2 làgiá thành của một sản phẩm chạm bạc khá đắt, bên cạnh đó những sản phẩm này không phải là mặt hàng cấp thiết cho cuộc sống của người dân và cũng không phải ai cũng có điều kiện để có được những sản phẩm này. Chính bởi đầu ra cho sản phẩm khảm bạc rất hẹp nên người theo nghề ngày càng ít đi. Tôi muốn dạy cho các cháu nhỏ với mong muốn rằng các cháu sẽ nối bước tôi, nối bước con trai tôi giữ gìn và phát huy nghề chạm bạc.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần