Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ nhân làm lồng đèn truyền thống “truyền lửa” cho lớp trẻ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Không gắn pin, không tiếng nhạc vui tai, những chiếc lồng đèn được làm thủ công vẫn có sức hút riêng và là biểu tượng của Tết Trung thu truyền thống.

Tranh thủ ngày cuối tuần, em Nguyễn Bá Hữu Minh, lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cùng các bạn tham gia làm lồng đèn truyền thống cùng nghệ nhân tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Giấy màu, giấy bóng kiếng, keo dán, kéo, nan tre… được bày ra, Minh lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Cậu bé chạy lên khu vực sân khấu, nơi nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) đang hướng dẫn cho các bạn khác cách sắp xếp nan tre, trang trí họa tiết sao cho phẳng, đẹp để được giúp đỡ.

Nghệ nhân Trần Thanh Tùng hướng dẫn cho học sinh cách dán giấy bóng kiếng lên thân nan tre.
Nghệ nhân Trần Thanh Tùng hướng dẫn cho học sinh cách dán giấy bóng kiếng lên thân nan tre.

Sau khi hiểu được cách thức, Minh quay trở lại vị trí. Bàn tay lần đầu tiên cắt dán giấy màu, giấy bóng kiếng trên nan lồng đèn trở nên đỡ vụng về hơn, chiếc lồng đèn hình trống cứ thế được hoàn thiện.

“Lần đầu tiên làm lồng đèn nên em chưa biết cách. Nhìn cứ nghĩ dễ làm nhưng thực ra để có chiếc lồng đèn đẹp tốn nhiều công sức. Làm xong em sẽ giữ làm kỷ niệm, ai mua cũng không bán đâu”- Minh hài hước chia sẻ.

Chiếc lồng đèn thủ công dần hoàn thiện.
Chiếc lồng đèn thủ công dần hoàn thiện.

Trên sân khấu, nghệ nhân Trần Thanh Tùng cũng bận rộn không ngớt, vừa làm lồng đèn ngôi sao, lồng đèn trống, lồng đèn tròn... vừa tận tình hướng dẫn, trả lời thắc mắc của các em học sinh.

Theo nghệ nhân Trần Thanh Tùng, làm lồng đèn tuy dễ mà khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Để hoàn thành một chiếc lồng đèn trải qua nhiều công đoạn, từ khâu vót nan tre cho đến ráp khung, dán giấy và vẽ trang trí.

Yếu tố quyết định làm nên nét riêng của từng chiếc lồng đèn là ở cách tạo hình dáng và cắt dán những họa tiết trang trí trên đèn sao cho bắt mắt, hấp dẫn của người thợ.

Nghệ nhân Trần Thanh Tùng là truyền nhân đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm lồng đèn.
Nghệ nhân Trần Thanh Tùng là truyền nhân đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm lồng đèn.

Từ những nan tre, tùy theo sắp xếp sẽ tạo thành những hình dáng lồng đèn khác nhau. Khi trang trí phải khéo léo để giấy thẳng góc và không bị rách. Vì làm hoàn toàn thủ công nên những chiếc lồng đèn cần được trau chuốt cẩn thận, uốn nắn, chỉnh chu từng chi tiết.

“Tôi là truyền nhân đời thứ 3 trong gia đình làm lồng đèn truyền thống Không gắn pin, không tiếng nhạc vui tai nhưng những chiếc lồng đèn được làm thủ công vẫn có sức hút riêng. Với tôi, gắn bó với nghề làm lồng đèn giấy bóng kiếng không chỉ gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn mang lại niềm vui cho trẻ em mỗi mùa Trung thu đến”- nghệ nhân Trần Thanh Tùng chia sẻ.

Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Chí Thanh cho biết, hoạt động trải nghiệm giáo dục trải nghiệm làm lồng đèn cùng nghệ nhân nhằm mục đích tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho học sinh trong dịp Tết Trung thu. Qua đó, phát triển kỹ năng sáng tạo, khéo léo, tinh thần đoàn kết cho học sinh.

Học sinh hào hứng khi được tự tay làm ra lồng đèn dịp Tết Trung thu.
Học sinh hào hứng khi được tự tay làm ra lồng đèn dịp Tết Trung thu.

“Trung thu sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi các em được tự tay làm ra những chiếc lồng đèn. Thông qua hoạt động này cũng giáo dục trẻ được phát huy khả năng sáng tạo, phối hợp màu sắc, rèn luyện kiên trì và sự khéo léo của đôi bàn tay. Đồng thời, giúp các em được tìm hiểu và khám phá về những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, hưởng một mùa Tết Trung thu vui vẻ”- ông Nguyễn Chí Thanh cho biết thêm.