Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ nhân thổi hồn vào cây kiểng, "vua kiểng thú" thu tiền tỉ mỗi năm

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghệ nhân Năm Công (Nguyễn Văn Công, 77 tuổi, ngụ Chợ Lách, Bến Tre) được phong là “vua kiểng thú”, đặc biệt là tạo hình 12 con giáp. Sản phẩm kiểng thú của ông còn xuất ngoại vì nét độc đáo khó nơi nào có được.

Thổi hồn vào những tác phẩm kiểng thú

Nghệ nhân Năm Công cũng như nhiều nhà vườn ở vùng hoa, cây kiểng Chợ Lách sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng hoa, cây kiểng và các loại cây ăn trái đặc sản ở địa phương. Tuy nhiên nghề trồng hoa lại khá bấp bênh nên ông muốn tìm hướng đi riêng bằng việc tạo hình cây kiểng.

Nghệ nhân Năm Công được phong là “vua kiểng thú” ở “vương quốc” hoa, cây kiểng Bến Tre. Ảnh CTV
Nghệ nhân Năm Công được phong là “vua kiểng thú” ở “vương quốc” hoa, cây kiểng Bến Tre. Ảnh CTV

Ông Năm kể, trước đây gia đình ông trồng cây ăn trái nhưng thu nhập không cao. Đầu những năm 1980, nhận thấy các tỉnh thành có nhu cầu cây xanh để chỉnh trang đô thị, ông thay toàn bộ vườn cây ăn trái rộng 3 ha của gia đình bằng cây sanh (còn gọi là gừa) và cây si. 

"Tôi chọn cây sanh, cây si vì loại cây này sức sống tốt, nhanh chóng tạo bóng mát. Đúng như dự đoán, khi tôi vừa có hàng thì khách từ các tỉnh thành miền Đông hỏi mua rất nhiều", ông Năm chia sẻ.

Qua bao gian nan, năm 1988, ông Năm Công dùng cây sanh, si nguyên liệu tạo hình thành công cặp linh vật rồng dài 7 m, cao 2,5 m và bán cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre. Đây là thu nhập lớn vào thời điểm đó. Từ đó, ông khẳng định gia đình mình sẽ sống được với niềm đam mê tạo hình kiểng thú.

Từ thành công ban đầu, tiếng tăm của ông càng vươn xa khi có nhiều khách hàng đến đặt hàng để trang trí cho công viên, khu du lịch. Ông Năm nhớ có một khoảng thời gian ông liên tục được các công ty cây xanh khắp nơi mời đi giao lưu, tư vấn cách trồng cây. Thời gian đó hàng ông làm ra bao nhiêu cũng không đủ bán.

Chỉ sau mấy năm chuyển nghề, lão nghệ nhân đã mua thêm 4 ha đất để trồng cây nguyên liệu. Từ đó ông nghiên cứu làm ra bộ 12 con giáp, trong đó mỗi năm Tết con gì thì lấy con đó làm chủ lực. 

Một cây kiểng hình con voi trị giá 10 triệu đồng trong vườn nhà ông Năm Công (Ảnh: CTV)
Một cây kiểng hình con voi trị giá 10 triệu đồng trong vườn nhà ông Năm Công (Ảnh: CTV)

"Trong tạo hình, bộ 12 con giáp là những sản phẩm khó làm nhất trong ngành hàng kiểng thú vì nhiều kích cỡ, nhiều chi tiết to nhỏ. Trong đó, kiểng hình rồng dễ làm nhất vì nghệ nhân tưởng tượng linh vật đó ra sao cũng không ai cãi được. Còn tạo hình trâu, chó, chỉ cần nét mặt không đúng, dáng bụng không đúng ai cũng nhận ra ngay, nên làm rất khó." - ông Năm chia sẻ.

Đưa kiểng thú xuất ngoại

Không chỉ bán cho mối hàng trong nước, hàng năm lão nghệ nhân còn xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm sang nước ngoài. Có những cây cảnh yêu cầu kỹ thuật cao, ông Năm bay tới tận nơi để chính tay hoàn thiện sản phẩm trong vườn nhà khách.

Hai con rồng đồ sộ nằm cạnh những cây lục bình cao 8m trước cửa nhà ông Năm (Ảnh: CTV).
Hai con rồng đồ sộ nằm cạnh những cây lục bình cao 8m trước cửa nhà ông Năm (Ảnh: CTV).

Ông Năm Công kể: Năm 2013, tôi bán kiểng rồng sang Singapore, Úc, Campuchia theo đơn đặt hàng đi bằng đường tàu biển. Sau đó tôi phải đi máy bay qua bên đó để lắp ráp kiểng rồng lại và hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc. Khi được báo đài bên đó giới thiệu những tác phẩm kiểng rồng là từ Bến Tre, Việt Nam đưa sang, tôi thấy tự hào vô cùng."

Nghệ nhân Năm Công cho biết, để đáp ứng thị hiếu và dễ dàng vận chuyển, ông Năm đang áp dụng cách tạo tác cây cảnh từ mô - đun lắp ghép. Một sản phẩm sẽ được chia thành nhiều phần, chỉ được ráp lại với nhau khi đã được đặt trong vườn của khách.

Hiện tại, cơ sở nghệ nhân Năm Công thường xuyên tạo việc làm cho gần 20 lao động, nhiều người lành nghề đã mở cơ sở riêng nhưng ông không bao giờ giấu nghề.

Theo ông Năm, thời gian trước dịch Covid-19, mỗi năm lão nghệ nhân bán trên 3 tỷ đồng tiền hàng. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường giảm nên doanh thu cũng có phần chững lại.