Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ sĩ sân khấu điêu đứng vì Covid-19

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật đã có nhiều nỗ lực để trả tiền lương cho người lao động.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 một lần nữa khiến gánh nặng cơm áo gạo tiền càng chồng chất với nghệ sĩ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó là thực tế được lãnh đạo các nhà hát, sân khấu đặt ra tại buổi toạ đàm trực tuyến về giải pháp thu hút khán giả và khó khăn của sân khấu trong dịch Covid-19 vừa diễn ra.
Không có thu nhập

Để đón đợt biểu diễn phục vụ thiếu nhi vào Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu, Nhà hát Tuổi Trẻ đã hoàn thành hai vở “Bầy chim thiên nga” và “Cuộc chiến virus” nhưng đã phải “xếp kho” không biết đến bao giờ mới được công diễn. Vừa qua, Đoàn xiếc đương đại của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hành quân vào Đà Nẵng, mang theo cả rạp bạt vào dựng trước nửa tháng để biểu diễn dịp 30/4 và 1/5, rốt cuộc chỉ diễn được có một buổi vào ngày 29/4. Việc phải hạ rạp, rút quân về sớm đã khiến Liên đoàn bị tổn thất nặng nề. Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng phải hủy tới 46 suất diễn của tháng 5 và 5 buổi diễn vào tháng 6 phục vụ thiếu nhi tại 3 sân khấu ở Hà Nội và biểu diễn lưu động, đó là chưa kể các suất diễn phục vụ học sinh, sinh viên... Điệp khúc tạm dừng, hoãn biểu diễn là bức tranh chung của các nhà hát thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 Nghệ sĩ trẻ trình diễn trên sân khấu xiếc. Ảnh: Lại Tấn
Từ việc không có buổi biểu diễn, các nhà hát gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì đội ngũ diễn viên trẻ, làm hợp đồng. NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam chia sẻ: “Hiện tại do không được biểu diễn, nghệ sĩ muốn bỏ nhà hát. Năm ngoái, chúng tôi cũng đã có mấy diễn viên tài năng, nhiều thành tích diễn xuất nhưng bỏ nhà hát rồi. Có em đào tạo xong cũng bỏ đi làm bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe”.

Cũng gặp khó trong việc duy trì nguồn thu để giữ chân các nghệ sĩ, NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: "Liên đoàn lại có quá nhiều diễn viên ngoài hợp đồng, phải tự cân đối để trả lương, trong khi từ Tết đã đi vay đi mượn, nay kiệt quệ quá rồi. Lãnh đạo phải nói với diễn viên ngoài hợp đồng nghỉ ở nhà, luyện tập ở nhà". Các nhà hát như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng trong tình trạng khó khăn tương tự.

Phát triển nghệ thuật online

Những chia sẻ từ lãnh đạo các Nhà hát cho thấy tình trạng khó khăn đã lặp lại như đợt dịch năm ngoái. Tuy nhiên lần này thì tác động và ảnh hưởng sâu hơn, nặng nề hơn bởi có lẽ phải mất cả năm nữa khán giả mới có thể yên tâm để đi xem nghệ thuật biểu diễn.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp được đưa ra là việc ứng dụng công nghệ số, phối hợp với các đơn vị truyền hình. Tại buổi tọa đàm trực tuyến, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: Vừa qua, nhà hát đã quyết định, hàng tháng sẽ trích một khoản đủ tiền thuê nhà 1 triệu rưỡi, 2 triệu dành cho các đối tượng không có lương để giữ họ ở lại. Đồng thời, nhà hát tạo ra 2 ê kíp làm truyền thông và xây dựng kênh của nhà hát trên Youtube, Tiktok, đưa ra các kế hoạch phát triển về nội dung giải trí, nội dung hoạt động và nghệ thuật, xây dựng hình ảnh cho nhà hát.
NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam chia sẻ: "Vừa qua, Nhà hát múa Rối đã phối hợp với truyền hình quay 2 vở diễn. Khi 2 vở diễn được phát, khán giả ủng hộ làm cho nghệ sĩ phấn khởi vì được quảng bá trên truyền hình". Đồng ý với hướng đi này, lãnh đạo các nhà hát cũng chia sẻ, Cục Nghệ thuật biểu diễn nên tiếp tục thực hiện giải pháp xây dựng Nghệ thuật online đã đưa ra cách đây một năm. Theo hướng dự kiến, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các đơn vị xây dựng một kênh truyền thông về nghệ thuật biểu diễn và có thể hợp tác làm "Nhà hát truyền hình" để các đơn vị giới thiệu những chương trình hay, tiết mục đặc sắc của mình.

Có thể thấy, 12 Nhà hát trực thuộc Bộ VHTT&DL cũng như các đơn vị nghệ thuật địa phương đều rất mong Nhà nước có những gói hỗ trợ để vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Chỉ có như vậy, gánh nặng cơm áo gạo tiền với nghệ sĩ mới được giải toả. Nếu không lương, không có kinh phí để trang trải cuộc sống, các diễn viên buộc phải dứt áo ra đi, sẽ lộ ra khoảng trống về lực lượng kế cận.