Tối 15/11, tại Nhà hát lớn Hà Nội, buổi hòa nhạc chính tháng 11 của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời với chủ đề “Bản Giao hưởng bi thương” đã diễn ra dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Olivier Ochanine.
Chương trình mở đầu với tác phẩm Overture to the Abduction from Seraglio, K.384 của nhà soạn nhạc thiên tài W.A.Mozart. Giai điệu tươi tắn, âm nhạc giàu màu sắc với đặc trưng lối viết tràn đầy cảm xúc của Mozart đem tới cho người nghe cảm xúc về một khởi đầu đầy hứng khởi.
Tâm điểm đầu tiên của đêm diễn là màn trình diễn Khúc biến tấu trên chủ đề Rococo dành cho cello và dàn nhạc, Op.33 của nhà soạn nhạc người Nga P.I.Tchaikovsky với nghệ sĩ độc tấu cello trẻ đến từ Đan Mạch Jonathan Swensen.
Với đa số khán giả Việt Nam, Jonathan Swensen là cái tên còn khá xa lạ. Thực tế anh mới ở độ tuổi 20 và tài năng bắt đầu được biết đến nhiều trong vài năm gần đây, khi gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế cũng như được mời trình diễn cùng một số dàn nhạc uy tín tại châu Âu.
Nhưng như người ta vẫn nói “tài không đợi tuổi”, chàng trai trẻ với mái tóc vàng thực sự đã chinh phục những khán giả khó tính nhất với màn trình diễn của mình. Một tác phẩm mang nhiều tầng lớp cảm xúc và đòi hỏi kỹ thuật trình diễn điêu luyện như Khúc biến tấu trên chủ đề Rococo được Jonathan thể hiện một cách nhuần nhuyễn.
Tiếng đàn của anh giàu năng lượng nhưng có độ sâu lắng đặc biệt. Jonathan có lối biểu diễn rất cuốn hút người thưởng thức bởi sự nhập tâm hoàn toàn với tác phẩm. Gần như tất cả những kỹ thuật trình diễn phức tạp nhất trên cây đàn cello đều được Jonathan thể hiện một cách hoàn hảo. Jonathan Swensen xứng đáng là một đại diện tiêu biểu của thế hệ nghệ sĩ cổ điển mới của thế giới.
Chia sẻ sau buổi diễn, nghệ sĩ cello trẻ tuổi cho biết: “Tôi rất ưng ý với màn biểu diễn hôm nay và tôi muốn gửi tới Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời lời cảm ơn chân thành. Từ các buổi tập cho tới buổi diễn, họ đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi và là sự cộng hưởng tuyệt vời mà bất cứ nghệ sĩ độc tấu nào cũng mơ ước!”
Tâm điểm thứ hai của đêm diễn cũng là chủ đề của buổi hòa nhạc là tác phẩm Giao hưởng số 6 cung Si thứ Op.74 hay còn gọi là Bản Giao hưởng bi thương của nhà soạn nhạc P.I.Tchaikovsky.
Giới chuyên môn từ lâu đánh giá đây là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà soạn nhạc người Nga, cũng là tác phẩm bi hùng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Bản nhạc được ông viết và tự tay chỉ huy lần đầu tiên năm 1893. Đúng một tuần sau, ông qua đời và để lại bao thương tiếc với người yêu nhạc cổ điển.
Sinh thời, Tchaikovsky từng nói rằng đây là tác phẩm ông cảm thấy ưng ý nhất. Giới chuyên môn cũng đánh giá bản Giao hưởng số 6 là một bước tiến lớn của nhà soạn nhạc trong việc viết các tác phẩm giao hưởng. Nhưng đáng tiếc là ông đã qua đời sau khi viết tác phẩm này.
Chương đầu mở ra với tiếng kèn pha-gốt cùng âm trầm của đàn bass. Chủ đề thứ hai là một giai điệu được phát triển lặng lẽ và chậm rãi, với phần kết là sự trở lại của chủ đề đầu tiên với năng lượng mãnh liệt. Tiếp đó, chủ đề thứ hai lại lắng xuống, đẹp đẽ, dịu êm trở lại trong pianissimo.
Chương hai là một sự tương phản với chương đầu. Không mang nhiều đặc tính của một chương Scherzo, chương nhạc được viết theo điệu nhảy với nhịp 5/4, chủ đề chính được thể hiện bởi cello hòa cùng tiếng pizzicato của bộ dây, xen kẽ bởi bộ gỗ và kèn cor. Chủ đề thứ hai khá đơn giản, nhưng sớm được thay thế bằng chủ đề đầu tiên mượt mà và kết thúc một cách trọn vẹn và hạnh phúc.
Chương ba của tác phẩm mang âm hưởng sống động với sự thể hiện luân phiên của bộ dây và bộ gỗ. Bộ dây cuối cùng cũng làm chủ chủ đề này, trong khi bộ gỗ cũng đồng thời tạo những dấu ấn cho riêng mình. Bộ đồng cùng dàn nhạc kết lại chương ba một cách sang trọng nhưng cũng nhuốm màu hoang dã.
Chương cuối cùng được đặt tên rất thích hợp: Adagio lamentoso. Đó là đỉnh điểm của tất cả nỗi buồn và tuyệt vọng của Tchaikovsky. Rất ít nhà soạn nhạc có đủ can đảm để kết thúc một bản giao hưởng một cách chậm chạp đến vậy. Hình thái âm nhạc không rõ ràng và rất khó để phân tích. Đó là một chuỗi những tiếng khóc thương tiếc, những tiếng thở dài tuyệt vọng và vô số những dáng điệu vô vọng đến tận cùng.
Bi kịch lên đến cao trào, trút ra thật nhẹ nhõm trong các ô nhịp cuối cùng của pianissimo và sau đó rơi vào khoảng không im lặng. Sự im lặng này là chiến thắng của riêng Tchaikovsky.
Khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội đã lặng đi khi những nốt nhạc trầm cuối cùng của bản nhạc trôi đi. 70 nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Olivier Ochanine đã trình diễn tác phẩm xuất sắc tới mức dường như khán giả chưa thể kịp định thần trong vài giây đồng hồ trước khi những tràng pháo tay không ngớt vang lên trong nhiều phút đồng hồ, tán thưởng một màn trình diễn không thể tuyệt vời hơn.
Nhạc trưởng Olivier Ochanine đã có màn chỉ huy cực kỳ ấn tượng trong đêm hòa nhạc “Bản giao hưởng bi thương”. Ông dẫn dắt dàn nhạc theo từng cung bậc cảm xúc của tác phẩm và đưa khán giả vào thế giới nội tâm giằng co nhưng rất sâu sắc và đẹp đẽ của Tchaikovsky.
Buổi hòa nhạc “Bản Giao hưởng bi thương” một lần nữa khẳng định đẳng cấp trình diễn và sự sáng tạo cũng như những thông điệp âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời: “Đưa khán giả trẻ đến gần hơn với âm nhạc cổ điển và đưa những tài năng âm nhạc cổ điển trẻ tuổi trên thế giới đến với khán giả Việt Nam”.
Và với buổi hòa nhạc tối 15/11 vừa qua, thông điệp đó đã được thể hiện một cách rõ nét không chỉ với một nghệ sĩ cello tài năng như Jonathan Swensen mà còn là rất nhiều gương mặt trẻ trên hàng ghế khán giả.