70 năm giải phóng Thủ đô

Nghệ sĩ và chuẩn mực ứng xử văn hóa

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến ứng xử của người nổi tiếng không đúng chuẩn mực văn hóa, hoặc tham gia vào những hoạt động quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội nhưng sản phẩm không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Một lần nữa, câu chuyện ứng xử văn hóa, trách nhiệm của người nổi tiếng trên mạng xã hội cần phải đặt ra và tìm biện pháp chấn chỉnh, để góp phần xây dựng môi trường ứng xử văn minh trong cộng đồng.

Bài 1: Tràn lan rác văn hóa
Vấn nạn rác văn hóa trên mạng xã hội đang hằng giờ, hằng ngày tiêm nhiễm độc hại vào tâm hồn, hành vi ứng xử của công chúng. Đặc biệt, rác văn hóa đó lại xuất phát từ tài khoản của những người nổi tiếng, khiến cuộc chiến làm sạch môi trường mạng ngày càng gay go và quyết liệt.

Hậu quả từ phát ngôn thiếu chuẩn mực

Danh hài Đức Hải vừa bị miễn nhiệm chức Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Đây là hậu quả rất đáng tiếc cho những phát ngôn không đúng chuẩn mực của người nghệ sĩ. Bởi vì, đầu tháng 6, mạng xã hội lan truyền hình ảnh chụp màn hình status, bình luận trên trang cá nhân có tick xanh của nghệ sĩ Đức Hải. Bài viết công kích người khác với một số từ ngữ thô tục. NSƯT Đức Hải vốn là một danh hài nổi tiếng, có rất nhiều đóng góp cho nghệ thuật, được khán giả từ người lớn tuổi đến các em thiếu nhi yêu mến nhờ những vai diễn rất có duyên trên sân khấu hài. Ông từng du học ở Viện Hàn lâm Sân khấu điện ảnh Saint Petersburg, Nga.
 Ảnh minh họa
Ông được xem là lớp nghệ sĩ đầu của Nhà hát Tuổi Trẻ, cùng trang lứa với ông như Chí Trung, Ngọc Huyền, Lan Hương, Lê Khanh... Một thời gian, ông là gương mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ, trong đó nổi bật nhất là chương trình Gặp nhau cuối tuần. Năm 2000, ông chuyển công tác vào Nam, làm giám khảo của nhiều game show như Cười xuyên Việt, Đố ai dám hát...

Hơn nữa, nghệ sĩ Đức Hải còn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tham gia công tác giảng dạy. Không chỉ giảng dạy tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, sau khi du học ở Nga trở về, nghệ sĩ Đức Hải làm giảng viên Đại học Sân Khấu điện ảnh Hà Nội. Với bề dày kinh nghiệm sống và làm việc ở các lĩnh vực trên, đáng lý nghệ sĩ Đức Hải phải là tấm gương ứng xử cho lớp nghệ sĩ đàn em cùng khán giả, nhưng ở cái tuổi 45, nghệ sĩ Đức Hải lại có những lời lẽ thiếu văn minh. “Nghệ sĩ ưu tú mà văng tục, chửi bậy một cách công khai trên facebook như thế quả thật thất vọng” - bình luận của nickname Minh Nguyễn.

Đến nay sự việc vẫn khá vòng vo, ban đầu NSƯT Đức Hải cho rằng facebook của mình bị hack, sau đó lại bày tỏ thông tin là do người con nuôi nghịch dại nên đã tự dùng nick của Đức Hải đăng những thông tin văng tục đó. Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn ra quyết định miễn nhiệm cũng là để làm sáng tỏ sự việc, tránh những ảnh hưởng không tốt đến nhà trường.
Tuy nhiên, rất nhiều khán giả cho rằng NSƯT Đức Hải ngoài việc phải đối mặt với sự cố phát ngôn thiếu chuẩn mực còn bị dư luận phán xét về tính không trung thực, vòng vo. Bởi vì, theo phân tích của rất nhiều chuyên gia thì ngôn từ, văn phong sử dụng trong đoạn chửi bậy đó rất logic với cách nói và bày tỏ của nghệ sĩ Đức Hải trước đây, khó có ai lại giả danh Đức Hải mà nói giống như vậy.

Sau tất cả những sự việc trên, nghệ sĩ Đức Hải bị mất uy tín trong lòng công chúng, mất đi một chức vụ cao quý của nghề giáo và thậm chí đứng trước làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng. Nhiều người khuyên nghệ sĩ Đức Hải nên thành thật nhận lỗi mới là văn minh. “Trong cuộc đời không ai không mắc sai lầm hoặc những lần lỡ miệng. Nhưng sai thì phải biết nhận lỗi để sửa. Đổ hết cho khách quan hay cho người khác là chạy tội là sống ác ý. Công chúng rất tinh vi, có khi dối được với lòng mình, nhưng tuyệt nhiên không thể khỏa lấp với mọi người” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học bày tỏ.

Chuyện muôn thuở

Vụ việc của NSƯT Đức Hải còn chưa hạ nhiệt, mới đây, dư luận lại “sửng sốt” trước phát ngôn bị cho là thô tục của diễn viên Hiệp Gà. Cụ thể, trên trang cá nhân, nam diễn viên hài đã chia sẻ một đoạn clip về nhân vật đình đám mạng xã hội thời gian vừa qua đang khóc nhưng lại sử dụng những lời lẽ thiếu văn minh. Phát ngôn công khai, thiếu chuẩn mực của diễn viên Hiệp Gà khiến nhiều người lên tiếng chỉ trích khá gay gắt. Việc nghệ sĩ có những lời lẽ phóng túng trên mạng xã hội đã khiến hình ảnh của họ sứt mẻ trong lòng công chúng. Và đây không phải lần đầu tiên nghệ sĩ sảy miệng trên mạng xã hội hay trước truyền thông, mà đã là chuyện muôn thuở gây tác động rất lớn đến văn hóa ứng xử của cộng đồng.
Cụ thể, cựu người mẫu T.T thường có những phát ngôn “vạ miệng” như phát ngôn đa số người mẫu Việt đều sống dựa vào nghề bán dâm và họ khó có thể làm giàu bằng nghề chân chính nếu không đi làm “gái”. Người mẫu T.T từng khẳng định “phải có đến 40% chân dài theo đại gia”, “mẫu nữ cặp đại gia, mẫu nam cũng cặp đại gia. Đó là chuyện hiển nhiên. Và những người dính vào chuyện đó đâu cần đi diễn mấy”. Những thông tin phát ngôn trên là thiếu kiểm chứng, khiến nhiều khán giả có cái nhìn sai lệch về nghề người mẫu, T.T cũng nhận nhiều chỉ trích từ phía các đồng nghiệp. Không chỉ dừng lại ở lần vạ miệng đó, T.T còn từng dùng nhiều lời lẽ thô tục đối với nghệ sĩ X.H.
Thậm chí, cô còn dọa đánh đàn chị trong nghề vì đã dám để lại dòng bình luận không hay dành cho cô. Câu chuyện này khiến công chúng khá bức xúc và lên án hành động kém văn minh trong cách ứng xử của T.T cũng như nhiều nghệ sĩ khác.

Ca sĩ Duy Mạnh cũng từng là một trong những nghệ sĩ thường xuyên "văng tục" trên trang cá nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nam ca sĩ quá phóng túng trong việc sử dụng ngôn từ trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả trẻ. Thậm chí, Duy Mạnh cũng từng bị Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh phạt 7,5 triệu đồng do “phát ngôn không phù hợp thuần phong mỹ tục”. Người mẫu Hương Giang, ca sĩ Phương Thanh… cũng là những nghệ sĩ nổi tiếng giới showbiz cũng có những lần phải đến gặp các cơ quan quản lý để nộp phạt vì những phát ngôn thiếu chuẩn xác, không văn minh trên mạng xã hội.

Không ai ngăn cản, cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng mạng xã hội, nhưng đã là người nổi tiếng thì việc để lại rác văn hóa sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng. Chính vì vậy, những hành động, phát ngôn thiếu chuẩn mực rất cần phải lên án và chấn chỉnh.

"Tài khoản facebook cá nhân không đơn giản chỉ là cá nhân vì nó mang tính cộng đồng nếu đăng tải ở chế độ công khai. Do đó, bản thân người viết hay sẻ chia những thông tin công khai phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn đó, nhất là nhà giáo. Ngôn từ, thông tin chia sẻ trên tài khoản Facebook của nhà giáo cần phải chính thống, chuẩn xác vì có thể ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, cách nhìn và quan điểm sống của học sinh. Vì facebook cá nhân của người thầy cũng là kênh để kết nối với học sinh lẫn phụ huynh. Do đó, từng lời ăn tiếng nói, hình ảnh của người thầy cũng sẽ được phụ huynh và học sinh quan sát và đánh giá." - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng trường TPHT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - TS Nguyễn Tùng Lâm


"Những nghệ sĩ có lối sống, phát ngôn thiếu chuẩn mực sẽ tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt là đến nhận thức và hành động của giới trẻ. Đã đến lúc, nghệ sĩ Việt nên ý thức được trọng lượng trong các phát ngôn của mình. Đặc biệt, những phát ngôn bất nhất, mâu thuẫn không chỉ không giải quyết được vấn đề mà càng đẩy sự việc đi xa hơn. Bài học từ chuyện phát ngôn bất nhất của các nghệ sĩ vừa qua là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ để họ thấy được rằng sự chân thành mới là yếu tố giữ chân được khán giả."- Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt - ThS. Lê Thị Lan Anh


"Trước hết, chúng ta cần nhận thấy rằng, bối cảnh xã hội hiện nay khiến cho “rác văn hóa” rất dễ xuất hiện. Nền kinh tế thị trường có những mặt trái, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới đã khiến chúng ta có những trải nghiệm rất khác trước, và nhiều khi, những giải pháp quản lý hữu hiệu trước kia lại không thể áp dụng cho giai đoạn hiện tại. Quy luật cung - cầu, cạnh tranh gay gắt trên thị trường giải trí càng thúc đẩy xu hướng đi tìm những điều mới, lạ, hấp dẫn phục vụ thị hiếu công chúng. Và đó là nguyên nhân của những chiêu trò mà chúng ta chứng kiến rất nhiều trong thời gian vừa qua. Ứng xử trên mạng giờ đây đang theo hiệu ứng đám đông, giãn cách. Nhiều người cho rằng ý kiến của mình là vô danh, không chịu trách nhiệm khiến cho thiếu điều tiết cần có từ những nguyên tắc đạo đức tranh luận." - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Lan Ngọc ghi)