Nghệ sĩ Vân Dung: Muốn thành công phải tạo được phong cách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gặp nghệ sĩ Vân Dung ngày cuối năm luôn bắt gặp một sự vội vàng, vì chị tất bật với các show diễn, đặc biệt là hàng đêm thiếu ngủ vì tập "Táo quân". Nhưng Vân Dung vẫn rất hồ hởi trước những câu hỏi về chuyện hậu trường 11 năm "làm Táo".

Nghệ sĩ Vân Dung: Muốn thành công phải tạo được phong cách - Ảnh 1
Táo quân đã có… giường

Vào dịp cuối năm, nội dung tấu hài của "Táo quân" luôn khiến khán giả tò mò, Vân Dung có thể tiết lộ đôi chút hậu trường Táo quân năm nay?

- Từ 27/12, các Táo đã bắt đầu tập và khớp kịch bản. Hôm nào chúng tôi cũng tập từ 9 giờ tối đến tận 4 - 5 giờ sáng. Năm nay, mỗi Táo có một cái giường để ngả lưng chứ không ngủ vật vờ trên ghế chờ đến màn tập như những năm trước. Các Táo còn được chuẩn bị cả bim bim, nước uống và táo… Cho tôi được giữ bí mật nội dung kịch bản Táo quân 2014. Mọi chương trình đều cần PR để có công chúng, nhưng riêng với "Táo quân", bí mật giữ đến phút chót mới thú vị.

Năm nay, chắc chị vẫn đảm nhiệm vai Táo Y tế? Chị có sợ phải đóng cảnh vụ chết người tại Thẩm mỹ viện Cát Tường?

- Hiện nay, đạo diễn Đỗ Thanh Hải vẫn chưa giao vai cụ thể cho tôi. Tuy nhiên, nếu phải đóng cảnh chết người tại Thẩm mỹ viện Cát Tường thì có gì phải sợ nhỉ? Vân Dung chỉ sợ ma…

11 năm tham gia đóng Táo, chương trình "Táo quân" nào để lại ấn tượng cho Vân Dung nhất?

- Tôi thích nhất chương trình "Hoa Táo" năm 2008. Năm đấy là năm nhiều kỷ niệm và ấn tượng nhất với mình, bao nhiêu tinh hoa, chất xám, sự hóm hỉnh, thâm thúy và tiếng cười dồn hết vào "Hoa Táo". Năm đó, Vân Dung vừa đóng Táo vừa ốm. Dù tôi có sốt, ngất xong lại tỉnh, tỉnh xong lại ngất, mà ra sân khấu vẫn… tưng bừng.
Chương trình "Táo quân 2014" dự kiến ghi hình vào tối 17 và 18/1 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, phát sóng vào đêm 30 Tết trên VTV.
Chương trình "Táo quân 2014" dự kiến ghi hình vào tối 17 và 18/1 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, phát sóng vào đêm 30 Tết trên VTV.
Nhiều người cho rằng, chương trình "Táo quân" ngày càng nhạt, chị có thấy rằng đóng Táo ngày càng khó?

 - Chương trình nhạt hoặc hay đôi khi còn phụ thuộc vào chất liệu của từng năm. Nhiều năm cầm kịch bản mà tôi không thấy có đất diễn hay, thế là lại mè nheo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, mong anh nghĩ cho vài "chiêu". Màn đút xèng vào robot khám bệnh trong chương trình "Táo quân 2013" là được đạo diễn Đỗ Thanh Hải bày cho tôi vào phút chót. Tuy nhiên, điều khó nhất khi làm Táo quân là mỗi năm đều phải khác đi, nhiều năm có nhiều chất liệu nhưng lại phải tính đến yếu tố hóm hỉnh, độc đáo. Làm chính kịch, bi kịch đã khó, nhưng làm hài kịch còn khó hơn rất nhiều lần. Khiến người ta khóc dễ hơn là khiến người ta bật cười một cách trí tuệ, cười có nội dung và hiểu được mình đang cười vì cái gì.

Cảm giác của chị xem lại "Táo quân" đúng đêm Giao thừa như thế nào?

- Không bao giờ Vân Dung dám xem "Táo quân" cùng với gia đình. Tôi luôn lựa chọn cách đóng cửa phòng bật tivi xem một mình vì xem cùng gia đình hay xấu hổ. Hơn nữa, khi xem cùng cả nhà thì mọi người cười rất to, riêng có bố mình là không bao giờ cười. Cụ ngồi xem, ngẫm nghĩ rồi khi nào cụ gật đầu bảo "được" thì có nghĩa là năm đó tôi làm rất tốt. Còn nếu cụ lẳng lặng đi vào phòng thì cứ thế mà liệu. Bố tôi là khán giả khó tính nhất nhưng cũng là người động viên, người có cái nhìn và đưa ra nhiều lời khuyên nhất cho mỗi vai diễn của tôi.

16 năm chông gai

Ngoài những vai trong "Táo quân", Vân Dung rất ít đóng phim truyền hình, phải chăng những sô diễn hài đã khiến lịch làm việc của chị chật kín?

- Tôi không phải là người quá kén vai, nhưng với mỗi vai diễn khi nhận lời, tôi đều cố gắng làm hết sức mình. Đối với Đài Truyền hình, tôi là một cộng tác viên, nên ngoài việc diễn xuất trên sóng truyền hình tôi còn phải đảm trách công việc nơi đơn vị công tác là Nhà hát Tuổi trẻ. Nhưng tôi thấy mình xuất hiện đâu có ít, đã 11 năm, từ Gặp nhau cuối tuần đến Thư giãn cuối tuần, tập nào chẳng thấy mặt tôi…

Theo chị, điều gì làm nên sự khác biệt giữa Vân Dung và các nghệ sĩ khác?

- Tôi đã có 16 năm gắn bó với nghiệp diễn, con đường ấy đầy chông gai chứ không trải hoa hồng như các bạn nghĩ. Khi mới ra trường, tôi về Nhà hát Tuổi trẻ, cái nôi đã có quá nhiều nghệ sĩ vừa đẹp vừa nổi tiếng như: Lan Hương, Lê Khanh… Tôi tự nghĩ, muốn thành công thì phải tạo cho mình một phong cách khác. Chính vì vậy, từ giọng nói, ánh mắt đến cách diễn không được giống ai. Lựa chọn này đã giúp tôi thành công.

Xin cảm ơn chị!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần