Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ sĩ Việt-Pháp công diễn vở kịch "Andromake

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là lần đầu tiên vở kịch được dàn dựng ở Việt Nam với sự phối hợp của Nhà hát kịch Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội và công ty Pháp Mắt hổ (l’Oeil du Tigre).

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973-2013),  “Andromake” - tác phẩm kịch nói do các nghệ sỹ Việt Nam và Pháp phối hợp dàn dựng, đã được công diễn tối 18/1 tại Nhà hát Paul Eluard, ngoại ô thủ đô Paris của Pháp.

Nghệ sĩ Việt-Pháp công diễn vở kịch "Andromake - Ảnh 1

Một cảnh trong vở kịch. (Ảnh: Lê Hà/Vietnam+)

Vở kịch được dàn dựng dưới sự chỉ đạo của đạo diễn người Pháp Jean Marie Lejude (Jean Marie Lejude) theo phong cách nghệ thuật hiện đại, nhằm tạo cầu nối giữa trường phái “cổ điển” và “hiện đại” trong nghệ thuật sân khấu.

Ở đó hai ngôn ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt đan xen nhau trong lời thoại làm toát lên nội dung chủ yếu của vở kịch đó là sự đấu tranh giữa quyền lực và tình yêu, và cuối cùng, tình yêu đã thắng.

Bốn nghệ sỹ Việt Nam và 4 nghệ sỹ Pháp đã vào vai các nhân vật một cách thành công tạo nên sự hòa trộn độc đáo của hai phong cách sân khấu Pháp-Việt.

Đây là nét độc đáo hấp dẫn đông đảo khán giả Việt Nam và Pháp đến với đêm công diễn bất chấp thời tiết giá lạnh gây không ít khó khăn cho việc đi lại, di chuyển.

Khi được hỏi về những cảm nhận sau khi xem vở diễn, nhiều khán giả Pháp cho rằng lúc đầu họ còn đọc phần phụ đề bằng tiếng Pháp khi các diễn viên Việt Nam nói, nhưng sau đó do bị cuốn hút bởi diễn xuất của các nghệ sỹ Việt Nam và Pháp, họ không cần đọc phần phụ đề tiếng Pháp nữa, họ vẫn hiểu, cảm nhận được hơi thở và nội dung của vở kịch. Đó là cũng điều đặc biệt và thành công của vở kịch.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Vĩnh Sương, Nhà hát kịch Việt Nam, vừa là trưởng đoàn và vừa là diễn viên, cho biết những khó khăn khi dàn dựng vở diễn.

Các nghệ sỹ Việt Nam và Pháp đều phải làm việc cật lực để vượt qua các rào cản, không chỉ về ngôn ngữ, để làm toát lên được "cái hồn" của các nhân vật.

Mặt khác, cách tiếp cận thần thoại Hy Lạp và sử thi Yliat không thật sự gần gũi với người Việt Nam, nhất là các nghệ sỹ, cũng là một khó khăn lớn. Vì vậy, các diễn viên Việt Nam đã phải mày mò, tự nghiên cứu tìm tòi để hiểu và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Theo anh, những khó khăn chỉ trong giai đầu. Mặc dù các diễn viên Pháp thoại lời Pháp và diễn viên Việt Nam thoại lời Việt, nhưng họ cùng là nghệ sỹ và cùng làm nghệ thuật nên họ có tiếng nói chung, có được hòa đồng và đến với nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng và “bắt được vào nhau”, tạo điều kiện cho nhau biểu diễn một cách tốt nhất.

Chia sẻ những khó khăn khi dàn dựng vở kịch, đạo diễn Jean Marie Lejude, nhà đạo diễn sân khấu từ 20 năm nay, cho biết khi làm việc với các diễn viên Việt Nam, ông thấy họ rất tuyệt, rất chịu khó tập luyện và nghiên cứu tận để hiểu tận gốc những ý tưởng.

Nhưng với ông, khó khăn đôi khi không phải trong sự khác biệt về ngôn ngữ mà là ở những khác biệt của các nền văn hóa.

Đôi khi ông phải làm cho các nghệ sỹ Việt Nam hiểu và yêu cầu họ quên đi một chút nét văn hóa phương Đông để tiếp nhận, thể hiện nét văn hóa và cách làm việc chuyên nghiệp phương Tây.

Ngược lại, các nghệ sỹ Pháp cũng phải sang Việt Nam để hiểu các bạn diễn của mình và cách làm việc của họ, vì mỗi bên đều có những yêu cầu rất khắc nghiệt và chặt chẽ. Có như vậy mới có được vở diễn thành công như hôm nay.

Việc dàn dựng vở kịch còn nhận được sự ủng hộ của thành phố Reims, Hội đồng vùng Marne và vùng Champagne-Ardenne/Orcca.

Trước đó, vở kịch "Andromake" đã được trình diễn ra mắt bằng những trích đoạn ngắn tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp cũng đã thu hút sự tham dự đông đảo của bà con Việt kiều và bạn vè Pháp.

Các nghệ sỹ Việt Nam và Pháp sẽ còn tiếp tục lưu diễn tại một số thành phố khác của Pháp nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa sự giao lưu văn hóa giữaViệt Nam và Pháp trong thời gian tới.