Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ thuật hát văn: Vẫn khuyết cách bảo tồn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nghệ thuật hát văn vừa có hai buổi diễn thành công (tối 6 và 7/11) tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) nhằm tìm sự ủng hộ của khán giả quốc tế về tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Tuy nhiên, trước cuộc đua giành danh hiệu, nỗi lo lớn nhất của những người theo nghệ thuật hát văn là tìm ra cách bảo tồn…

Cùng âm nhạc nhập đồng

Không gian chưa đầy 300 ghế của hội trường Trung tâm văn hóa Pháp càng trở nên khiêm tốn khi lượng người đến xem biểu diễn chầu văn đông hơn dự kiến. Cả khách "tây" lẫn khách "ta" đều như bị mê hoặc trước những câu hát của "Quan Tam Phủ", "Quan Tuần Tranh"... Và cũng không thiếu người như bị "nhập đồng" với "Chầu Đệ Nhất", "Chầu Đệ Nhị", "Chầu Bé Bắc Lệ", "Ông Hoàng Bơ", "Chầu Bát", "Ông Hoàng Mười"… Trên các giá đồng, nghệ sĩ Văn Chung, Khắc Tư, Trọng Quỳnh, Đức Hải, Xuân Dũng, Thanh Ngoan... thoải mái diễn xướng. Khán phòng tĩnh lặng như làm nền cho thể loại âm nhạc diễn xướng tâm linh của người Việt thăng hoa.

Nghệ thuật hát văn: Vẫn khuyết cách bảo tồn - Ảnh 1

Nghi lễ chầu văn của người Việt Nam đang được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Chung: "Đây là lần thứ 2 nghệ thuật hát chầu văn được tổ chức biểu diễn bài bản với mục đích tôn vinh nghệ thuật chầu văn, hầu đồng và vận động sự công nhận của quốc tế về tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam kết hợp với Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật này".

Giấc mơ vươn ra thế giới

Nghệ thuật hát văn (còn gọi là hát bóng) là loại hình ca hát cổ Việt Nam, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn chau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh.

Hát chầu văn bao gồm 4 hình thức biểu diễn: Hát thờ, hát thi, hát hầu và hát văn nơi cửa đền. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hát văn được xem trọng. Tuy nhiên, do hát văn gắn bó nhiều với yếu tố tâm linh, nên từ năm 1954 thể loại này dần mai một cùng phong trào bài trừ mê tín dị đoan. Đến đầu những năm 1990, hát văn có cơ hội phát triển trở lại tại các trung tâm hát văn ở tỉnh Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam: "Hát văn có thể coi là một loại hình nghệ thuật thuần Việt nhất, nó không bị ảnh hưởng của âm nhạc nước ngoài từ làn điệu, ca từ, cho đến cách múa, trang phục, nhạc cụ… Thể loại hát văn tồn tại ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, ở nước ngoài, người hát và người biểu diễn là một thì ở Việt Nam có ban nhạc riêng, người biểu diễn riêng. Thậm chí mỗi địa phương, mỗi triều đại lại có một ban bệ riêng. Có một học giả thế giới sau khi được xem hát chầu văn đã nhận xét rằng, chỉ riêng về âm nhạc của hát chầu văn đã có thể được coi là một di sản văn hóa phi vật thể chứ chưa nói đến lối hát này còn được đặt trong một nghi lễ dân gian".

Hiện tại, chầu văn đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận "Nghi lễ Chầu văn của người Việt" là di sản văn hóa thế giới. Với mong muốn vận động sự công nhận của quốc tế, rất nhiều cuộc hội thảo, liên hoan hát văn đã được lên khuôn. Riêng trong tháng 11/2012, Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội sẽ thực hiện một buổi tọa đàm khoa học "Hát văn - hầu đồng, nghi lễ tiêu biểu của đạo Mẫu Việt Nam" và Liên hoan hát văn Hà Nội 2012. Tại các trung tâm hát văn ở Nam Định cũng rộn ràng nhiều nghi lễ chầu văn. Song, ngoài việc tìm sự ủng hộ của thế giới, điều cần hơn cả đối với nghệ thuật này là chiến lược bảo tồn trước nguy cơ mai một.