Bản sắc văn hóa người Thái vùng Tây Bắc
Loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Thái vùng Tây Bắc đã chuẩn bị đứng trước một dấu mốc quan trọng. Việc ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng là cơ hội để Xòe ở các bản Mường Tây Bắc được biết đến nhiều hơn.
Là hình thức kết nối ước vọng của con người với thế giới thần linh, xòe lâu nay đã là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái. Xòe phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới ở trên trời, ở mặt đất và của thần linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong sự trợ giúp, phù hộ của thần linh có một cuộc sống no đủ, bình an.
Nghệ nhân Lò Văn Biến (xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Người Thái múa Xòe, không phải chỉ thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, với thiên nhiên, với tâm linh theo quan niệm âm dương ngũ hành xuất phát từ văn minh lúa nước mà còn thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa sâu sắc. Xòe Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động đầy tính lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội, đặc biệt có tính bình đẳng rất cao. Khi đã vào vòng Xòe không còn phân biệt giàu nghèo, không phân biệt đẳng cấp. Trong bất cứ tiệc lớn, tiệc nhỏ như mừng nhà mới, đám cưới hoặc xên bản, xên mường, mà không xòe thì họ coi tiệc đó không vui, không thành công.
Theo Hồ sơ Di sản trình UNESCO, Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa.
Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Xòe vòng là múa tập thể, mở rộng dần vòng Xòe, cuốn hút mọi người hòa cùng niềm vui mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay trong lễ hội, cuộc vui liên hoan. Họ nắm tay nhau, bước chân nhịp nhàng theo điệu nhạc trong không khí thân thiện, vui vẻ, hòa đồng.
Nghệ thuật Xòe Thái được trao truyền trực tiếp giữa các thế hệ, các thành viên cộng đồng, không kể tuổi, giới tính. Mọi người tham gia Xòe đều có thể học hỏi từ nhau, người này chỉ cho người khác, nhịp nhàng cùng bước theo điệu nhạc. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Việc thành lập các Câu lạc bộ Xòe Thái từ những năm 1990 đến nay phát triển mạnh. Tính đến nay, tỉnh Yên Bái có khoảng 180 đội, Điện Biên có 1.273 đội, Lai Châu có hơn 100 đội, và Sơn La có khoảng 1.700 đội. Các thành viên của những đội văn nghệ này là lực lượng nòng cốt trong việc trình diễn, trao truyền và sinh hoạt Xòe Thái.
Không những vậy, một số nghệ nhân dân gian, các nhà nghiên cứu địa phương ghi chép và xuất bản tài liệu về sự sáng tạo và phát triển, cách thức Xòe, các điệu Xòe, bối cảnh diễn xướng, và những loại hình văn hóa liên quan. Các ông bà then hướng dẫn cho các con nuôi cách thức xòe mừng và tạ ơn thần linh trong các nghi lễ. Các nghệ nhân dân gian, những thành viên cộng đồng am hiểu về Xòe Thái tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ ở các lớp mầm non, trường phổ thông, trường nghệ thuật. Điển hình là nhiều nghệ nhân với tư cách là cá nhân tích cực khôi phục các điệu Xòe Thái do ông bà, cha mẹ lưu truyền lại, truyền dạy Xòe Thái điển hình như ông Lò Văn Biến (Yên Bái), mở lớp dạy tính tẩu, khèn; bà Đỗ Thị Tấc (Lai Châu) tự đầu tư xây dựng dãy nhà sàn phục vụ trưng bày các di sản văn hóa người Thái và truyền dạy Xòe cho cộng đồng tại thị trấn Than Uyên.
Chờ đợi giờ phút vinh danh
“Xòe Thái – Tinh hoa miền di sản” là chủ đề của chương trình Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc “Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022” sẽ diễn ra tại sân vận động Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ngày 24/9.
Theo Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật "Xòe Thái – tinh hoa miền di sản” Lê Hải Yến, chương trình gồm 3 chương: “Thiên di - Dựng bản, lập mường”; “Miền Di sản” và "Tinh hoa nghệ thuật Xòe”. Chương trình sẽ là thiên sử thi đặc sắc, với liên tiếp những đại cảnh công phu, lộng lẫy và hoành tráng, là sự kết hợp hài hòa giữa bản đại vũ kịch dân gian Tây Bắc và bản giao hưởng của đất trời.
Với lối kể non- stop (không dừng lại), các chương sẽ tái hiện câu chuyện thiên di của 2 anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần dựa theo cuốn sử thi “Quan tô mương”, vào khoảng thế kỷ thứ XI về lịch sử hình thành của người Thái ở Tây Bắc, các hoạt cảnh sẽ liên tiếp tái hiện những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc nhất của người Thái thông qua hình ảnh người con gái Thái, và từ đây tôn vinh điệu Xoè- Di sản phi vật thể văn hoá nhân loại.
Chương trình quy tụ gần 3.000 diễn viên trong đó, diễn viên quần chúng tham gia màn Đại Xòe lên tới 2022 bà con dân tộc Thái từ Nghĩa Lộ, Văn Chấn, cùng 900 diễn viên chuyên và không chuyên biểu diễn. Xuất phát từ ý tưởng muốn tôn vinh Xòe, văn hóa của người Thái cũng như đất và người Tây Bắc, nên chỉ có 2 nghệ sĩ tham gia biểu diễn là Tùng Dương và Sao mai Sèn Hoàng Mỹ Lam. Còn lại các nghệ sỹ đều dành để chính những nghệ nhân dân gian người dân Thái và Tây Bắc được thể hiện, được kể về đồng bào mình - chủ thể của nghệ thuật Xòe Thái cũng là chủ thể của chương trình.
Lễ Đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và "Lễ hội văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá danh thắng Ruộng Bậc Thang Mù Cang Chải năm 2022” là cơ hội quý giá để quảng bá di sản văn hóa này với đông đảo du khách địa phương, trong nước và quốc tế; đồng thời đây cũng là dịp để khán giả hiểu hơn về nguồn gốc, cội nguồn di sản, sự phong phú đa dạng và những nét đẹp tinh hoa trong bộ môn nghệ thuật cộng đồng này. Sự kiện do Tỉnh Yên Bái phối hợp với các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên – 4 cộng đồng cùng có chung di sản này - thực hiện.
Hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra:
- Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa tại điều 2 của Công ước 2003
- Việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản
- Xòe Thái đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan
- Xòe Thái đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của quốc gia thành viên.