Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghẹt thở nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào lớp 10

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/7 giữa cái nắng nóng như nung người, nhiều phụ huynh ở Hà Nội vẫn tất tả đi rút, nộp hồ sơ tuyển sinh để giành những suất cuối cùng vào trường công cho con trong đợt xét tuyển bổ sung diễn ra ngày 5 và 6/7.

Ngày 5/7 là ngày đầu tiên 35 trường công lập ở Hà Nội nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung vào lớp 10 với lượng chỉ tiêu khiêm tốn. Vì thế, dù 8 giờ mới đến thời gian tiếp nhận hồ sơ, nhưng nhiều phụ huynh đã có mặt tại trường THPT Nhân Chính, THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân). Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo Phạm Thị Tâm cho biết: “Đợt xét tuyển bổ sung này, nhà trường hạ 1 điểm (45 điểm) lấy 84 chỉ tiêu. Đến đầu giờ chiều, chúng tôi đã tiếp nhận được 71 hồ sơ, chỉ còn 13 cháu chưa đến nộp. Cũng trong ngày, có 54 phụ huynh đến rút hồ sơ chuyển sang trường THPT Yên Hòa và THPT Nhân Chính đã được nhà trường giải quyết nhanh chóng”.
Phụ huynh đến nộp hồ sơ tuyển sinh bổ sung tại trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân chiều ngày 5/7. Ảnh: Trần Oanh
Ghi nhận chiều ngày 5/7 tại trường này, nhiều phụ huynh đến nộp hồ sơ nguyện vọng 2 (NV2) không được chấp nhận. Bà Tâm cho biết: “Trước đó chúng tôi đã thông báo, đợt 1 xét tuyển, nhà trường có xét tuyển NV1 và NV2. Đợt xét tuyển bổ sung, trường chỉ lấy thí sinh NV1. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không tìm hiểu kỹ thông tin nên mới như vậy”. Tuy nhiên, tình hình chung chiều 5/7, số phụ huynh đến các trường nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào lớp 10 lại giảm.

Ngày 5/7, báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của chị N.T.H, trước đó đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 10 trường THCS & THPT Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy). Sau đó, con chị đã trúng tuyển NV1 vào một trường công lập. Khi chị và các phụ huynh đến rút hồ sơ đều không được nhà trường trả lại 2 triệu đồng đã đóng đặt cọc. Chiều cùng ngày, phóng viên đến trường THCS & THPT Lý Thái Tổ, nhưng hiệu trưởng đi vắng. Bà Trần Thị Lưu – nhân viên phòng Hành chính cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện đúng giao ước với phụ huynh từ trước khi nhận hồ sơ". Hai bên thỏa thuận: Nếu hồ sơ trúng tuyển thì nộp phí đặt chỗ 2 triệu đồng, đó chính là tiền xây dựng trường. Trong trường hợp phụ huynh rút hồ sơ thì nhà trường không hoàn lại khoản phí đã nộp.

Bà Hoàng Lê Cẩm Tú – cán bộ tuyển sinh trường THPT Nhân Chính cho biết: "Đợt 1 với điểm trúng tuyển 50, nhà trường tuyển thiếu 50 chỉ tiêu. Ngày 5/7, chúng tôi nhận được 68 hồ sơ xét tuyển bổ sung. Theo danh sách từ Sở, đợt bổ sung này trường sẽ nhận hơn 100 hồ sơ, nhưng nếu các buổi sau phụ huynh không đến nộp chúng tôi vẫn đạt chỉ tiêu”. Theo kế hoạch, hôm nay (6/7), 35 trường công lập ở Hà Nội tuyển sinh bổ sung và xét tuyển NV3 tiếp tục nhận hồ sơ vào lớp 10. Về việc phải hoàn trả lại các khoản tiền, lệ phí đã thu khi phụ huynh đến rút hồ sơ của trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị nhà trường thực hiện.
Song sáng 5/7, nhiều phụ huynh cho biết, nhà trường vẫn chưa hoàn trả tiền. Trên website của trường vẫn thông báo: “Trong trường hợp phải rút hồ sơ, phần kinh phí nhập học sẽ chuyển vào Quỹ khuyến học của nhà trường”. Một phụ huynh ở quận Thanh Xuân bức xúc, sau khi ngồi đợi hiệu trưởng cả buổi sáng, tôi nhận được câu trả lời: “Thứ Sáu chúng tôi họp hội đồng quản trị và sẽ lên báo cáo Sở GD&ĐT. Vì là trường dân lập, độc lập về tài chính, Sở không cho một nghìn nào. Số tiền hơn 6 triệu đồng đã được trường thông báo ngay từ đầu là không trả lại mà đưa vào Quỹ khuyến học của trường”. Nhiều phụ huynh bức xúc khi con không nhập học trường Lương Thế Vinh, nhưng lại phải đóng tiền vào Quỹ khuyến học của trường. 
Tại trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu, một số phụ huynh đã rút hồ sơ cho biết, ngày 18/7 nhà trường mới trả lại tiền, dù trước đó, ngày 2/7 Sở GD&ĐT đã có công văn yêu cầu phải hoàn trả toàn bộ các khoản tiền và lệ phí đã thu khi rút hồ sơ.