Nghị định 100 và tầm nhìn chiến lược về làm luật

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ đưa ra lời “tuyên chiến” với vấn nạn “ma men sau tay lái” mà Nghị định 100/2019/NĐ - CP còn mang đến lời nhắc nhở quý giá về tầm nhìn chiến lược khi xây dựng hành lang pháp lý ở Việt Nam. Đây là câu chuyện lâu nay gần như không được quan tâm đến.

Theo Nghị định 100, sử dụng điện thoại khi đang lái xe sẽ bị phạt rất nặng. Ảnh: Phạm Hùng
Hơn nửa tháng kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ - CP của Chính phủ (NĐ 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực, tình hình vi phạm giao thông đã có những chuyển rất tích cực. Đặc biệt, các vi phạm về nồng độ cồn, thói quen sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, đây không phải là điểm sáng duy nhất của nghị định này.
Nhiều hành vi bị điều chỉnh tăng nặng
Khi nói đến NĐ 100, ngoài “thiết quân luật” dành cho hành vi sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khi tham gia giao thông, dư luận và giới chuyên gia đánh giá cao việc nghị định đưa ra nhiều quy định cụ thể, quyết liệt đối với các hành vi vi phạm mà lâu nay vẫn luôn được đánh giá là khó xử lý.
Tính bền vững của hiệu ứng của Nghị định 100/NĐ-CP vẫn cần thời gian để kiểm chứng, nhưng ít nhất sau hơn nửa tháng áp dụng, tác động xã hội mang lại là rất lớn và tạo ra tiền đề cho những thành quả về sau.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức
Có thể kể đến là hành vi bật đèn pha trong hầm đường bộ. Cụ thể, điểm m, khoản 3, Điều 6 NĐ 100 quy định người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng khi thực hiện hành vi chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu gần. Trên thực tế, trước đây, trong NĐ 100 có quy định khung hình phạt đối với hành vi này, song ở mức cao hơn rất nhiều khi mức phạt tối đa lên đến 1.000.000 đồng.
Có thể thấy, quy định mới tại Nghị định 100/2019 đã giảm mức phạt tối đa đối với hành vi chạy xe máy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần so với NĐ 46/2016. Ngoài ra, Nghị định này đã giữ nguyên hình phạt bổ sung đối với hành vi này như quy định tại NĐ 46 là tước Giấy phép lái xe 2 tháng tới 4 tháng nếu như hành vi không bật đèn chiếu gần gây ra tai nạn giao thông.
Tương tự, một hành vi khác được điều chỉnh trong NĐ 100 là hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông. Chỉ có điều, sự điều chỉnh này theo chiều hướng tăng nặng so với NĐ 46 trước đó. Theo điểm a, khoản 4, Điều 5 NĐ 100 quy định, phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Mức phạt đối với hành vi này trong NĐ 46 chỉ là từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, NĐ 100 quy định, người đang điều khiển xe mà sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính thì bị phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng (trước đây, theo NĐ 46 thì mức phạt đối với hành vi này chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng).
Làm luật với tầm nhìn chiến lược
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông đánh giá, việc NĐ 100 tiếp tục đưa ra các quy định cụ thể đối với những hành vi vi phạm lâu nay vẫn được đánh giá là khó xử phạt như bật đèn chiếu xa trong hầm đường bộ, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông… là điều hết sức cần thiết. TS Nguyễn Hữu Đức nhìn nhận, không thể phủ nhận lực lượng chức năng sẽ gặp những khó khăn nhất định khi tiến hành xử phạt những lỗi vi phạm trên (khó phát hiện quả tang, khó ghi hình…) nhưng đối với công tác làm luật, đây là điều vô cùng cần thiết. “Từ trước đến nay, không ít trường hợp các điều khoản luật quy định nhưng khó thực hiện. Nói đơn giản như Luật Giao thông đường bộ, có quy định lái xe một ngày chỉ được làm việc bao nhiêu giờ. Điều này không dễ xác định. Nhưng dù khó thực hiện nhưng vẫn phải có” – ông Đức nói.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức phân tích thêm, những quy định vào thời điểm ban hành có thể khó thực hiện nhưng trong tương lai lại là một câu chuyện khác. Vì vậy, việc ban hành những quy định này là cách tạo nền tảng về mặt pháp lý cần thiết. Điều này chứng tỏ công tác làm luật của chúng ta có tầm nhìn chiến lược chứ không phải là những điều chỉnh mang tính chất thời vụ, đối phó. “Như quy định xử phạt nồng độ cồn chẳng hạn, trước đây cũng từng bị coi là khó thực hiện vì thời điểm đó thiếu phương tiện đo. Giờ thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Và cái quan trọng nhất là những quy định được đưa ra đảm bảo được tính răn đe, từ đó ngăn ngừa hành vi vi phạm xảy ra” – ông Đức nói.
Đánh giá về hiệu quả của NĐ 100 sau hơn nửa tháng có hiệu lực, nhiều chuyên gia chung nhận định, hiệu ứng mà nghị định tạo ra đã thể hiện rõ sự tiến bộ so với các văn bản pháp luật trước đó. Lần đầu tiên một văn bản pháp luật tạo ra được tác động xã hội lớn như vậy. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù NĐ 100 có những hiệu quả, nhưng điều quan trọng nhất là phải tiếp tục duy trì công tác kiểm tra và xử phạt quyết liệt như thời gian qua một cách thường xuyên, liên tục thì hiệu quả mới lâu dài và có tính bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần